Để thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa giai đoạn 2021 – 2025, huyện Tam Nông xác định việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hữu hiệu. Từ chủ trương và chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành, huyện nhanh chóng vào cuộc triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Bio Gold, khu 7, xã Thanh Uyên có 2 sản phẩm đông trùng hạ thảo và trà đông trùng hạ thảo-cà gai leo đạt tiêu chuẩn 3 sao nhờ ứng dụng công nghệ cao.
Huyện đã đề ra lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể, trong đó tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về thành tựu ứng dụng và phát triển công nghệ cao. Cùng với làm tốt dồn đổi ruộng đất, huyện đẩy mạnh công tác quy hoạch, phân vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản; xây dựng các mô hình, khu vực chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tích tụ đất đai bằng các hình thức chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê quyền sử dụng đất để thuận lợi cho việc xây dựng các trang trại, gia trại, hợp tác xã kiểu mới, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh.
Xác định yếu tố đóng vai trò quan trọng trong phát triển ứng dụng công nghệ vào sản xuất là nguồn nhân lực, huyện Tam Nông đã tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để thích ứng, tiếp cận nhanh với những mô hình mới. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao; tích cực triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh và huyện; xây dựng các mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.
Ngoài ra, huyện quan tâm, tạo cơ chế để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghệ cao… Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp cũng như vận chuyển hàng hoá, giao thương.
Bên cạnh đó, huyện tập trung thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là các loại cây trồng thế mạnh của địa phương với các mô hình phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh theo hướng mở rộng diện tích, sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình sản xuất liên kết của huyện được triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 32 mô hình trồng trọt, 14 mô hình chăn nuôi, 21 mô hình canh tác lúa cải tiến – SRI, gieo sạ lúa bằng giàn xạ, cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch…
Nhiều mô hình đem lại hiệu quả, được nhân rộng trong sản xuất như: Mô hình liên kết trồng ngô sinh khối, diện tích thực hiện 145ha tại các xã Lam Sơn, Quang Húc; mô hình trồng chuối hiện toàn huyện có 298ha, trong đó có 40ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, 93ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; hình thành mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối ở xã Hương Nộn, Dân Quyền, Lam Sơn với diện tích trên 120ha; mô hình liên kết nuôi gà mía tại xã Lam Sơn, quy mô gần 10.000 con; mô hình nuôi gà lông màu tại xã Dân Quyền, quy mô 8.000 con…
Nhiều vùng trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: Vùng trồng cam canh trên 32ha tại xã Hương Nộn; vùng trồng bưởi Diễn tập trung tại các xã Dân Quyền, Tề Lễ diện tích 22,5ha; vùng liên kết sản xuất lúa giống tại xã Lam Sơn, Dân Quyền, Hương Nộn, diện tích 120 ha; vùng sản xuất rau sạch tập trung theo hướng an toàn tại xã Hương Nộn, Dân Quyền với diện tích 10ha đã chứng nhận VietGAP; vùng liên kết sản xuất cà gai leo, dưa chuột… tại xã Dân Quyền, Hương Nộn, Lam Sơn, Bắc Sơn, diện tích trên 38,6ha…
Trong đó có một số vùng trồng cây ăn quả, rau an toàn được áp dụng theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch với hệ thống tưới nước nhỏ giọt kỹ thuật cao, hoàn toàn tự động, sử dụng phân bón hữu cơ và dùng các loại thuốc sinh học phòng trừ nấm bệnh với thời gian cách ly ngắn, phân hủy nhanh, an toàn cho người sử dụng, tiết kiệm chi phí, sức lao động.
Để nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả, huyện Tam Nông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách phát triển nông nghiệp, chú trọng chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ hợp lý; khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đem lại thu nhập cao, giảm nghèo bền vững.
Phương Thảo
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-223461.htm