Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao) có diện tích canh tác rau trên 10ha, sản phẩm được HTX bao tiêu đầu ra.
Đáp ứng nhu cầu sản xuất, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì một số dịch vụ đầu vào cho thành viên như: Làm đất, cung ứng giống, phân bón, dịch vụ thủy lợi, bảo vệ sản xuất. Theo xu thế thị trường, nhiều HTX đã mở rộng ngành nghề dịch vụ, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, bao tiêu sản phẩm cho thành viên; đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Qua đó, các HTX tìm được hướng đi mới, thích ứng với cơ chế thị trường, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, giúp người dân nông thôn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới.
HTX nông nghiệp Thượng Nông (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) đa dạng hóa nhiều khâu dịch vụ gồm: Cơ giới hóa nông nghiệp, cung ứng vật tư, thủy lợi, bảo vệ thực vật, sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc HTX cho biết: “Ngoài các dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất, HTX phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó chủ lực là chuối với diện tích hơn 70ha. HTX bao tiêu sản phẩm cho thành viên, đầu ra đảm bảo, giá bán tương đối ổn định. Đồng thời, HTX phát triển thêm lĩnh vực chế biến sản phẩm cá thính nhằm phát huy tiềm năng thủy sản của địa phương, nâng giá trị sản phẩm sau chế biến”.
Toàn tỉnh có 414 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó 206 HTX dịch vụ tổng hợp, 135 HTX trồng trọt, 48 HTX chăn nuôi, 20 HTX thủy sản, 5 HTX lâm nghiệp. Nhiều mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 85 HTX nông nghiệp triển khai các hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 83 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất. Năm 2023, doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp đạt 1,75 tỷ đồng/HTX, tạo việc làm thường xuyên cho 3.900 lao động.
Từ mô hình hoạt động hiệu quả của HTX, các thành viên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức sản xuất theo hợp đồng với các đối tác. Quy mô, chất lượng sản phẩm của các HTX từng bước được nâng lên, tạo lập và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị, gắn phát triển HTX với khai thác, phát huy các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương như: Chè, bưởi, rau an toàn… Nhiều HTX nông nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND, ngày 18/1/2024 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP, ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 được đưa ra như: Khoảng 30% HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; trên 20% HTX nông nghiệp tham gia phát triển sản phẩm OCOP; phấn đấu có khoảng 20% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Thực hiện hiệu quả Kế hoạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ HTX nông nghiệp tổ chức và hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho nông dân, tạo động lực thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Huế
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-trien-hop-tac-xa-gan-voi-tai-co-cau-nong-nghiep-213437.htm