Thời gian qua, việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng hiện đại phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và góp phần quan trọng vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cửa hàng điện máy Hoa Đức (khu Đồng Tiến, xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập) kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện gia dụng, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại ở khu vực nông thôn với mô hình các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 188/196 xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn. Việc thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng thương mại thiết yếu theo tiêu chí nông thôn mới đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn các xã.
Minh Lương là xã miền núi thuộc huyện Đoan Hùng, năm 2021, chợ Minh Lương được Sở Công Thương hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm. Đồng chí Nguyễn Ngọc An – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã được hỗ trợ kinh phí xây dựng chợ an toàn thực phẩm góp phần đạt các tiêu chí về cơ sở, hạ tầng và trang, thiết bị phục vụ kinh doanh thực phẩm tại chợ theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn thực phẩm, đưa chợ truyền thống hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại. Hạ tầng chợ được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương và các xã lân cận trao đổi, mua bán hàng hóa, đáp ứng tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Số dân khu vực nông thôn chiếm khoảng 80% dân số toàn tỉnh, thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, giúp thu hẹp khoảng cách đời sống giữa thành thị và nông thôn, vì vậy bán lẻ ở khu vực nông thôn còn nhiều dư địa phát triển.
Cùng với mô hình chợ truyền thống, có nhiều cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng bán lẻ theo chuỗi được đầu tư tại trung tâm các cụm xã, trung tâm các xã do tư nhân hoặc doanh nghiệp đầu tư ngày càng phát triển, thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm, mua sắm trực tiếp. Những cửa hàng này còn được đầu tư công nghệ, tổ chức nhiều chương trình tiếp thị, giới thiệu xu hướng mua sắm…
Cửa hàng điện máy Hoa Đức tại khu Đồng Tiến, xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập bình quân doanh thu mỗi tháng trên 200 triệu đồng. Chị Bùi Thị Hoa – Chủ cửa hàng cho biết: “Cửa hàng chúng tôi đi vào hoạt động từ năm 2020 với các mặt hàng chủ yếu là điện gia dụng. Các loại hàng hóa khá đa dạng như nồi cơm điện, quạt điện, máy sấy tóc, bàn là, điều hòa không khí, máy lọc nước, máy giặt… với các mức giá phù hợp với nhu cầu của người dân. Tuy là địa bàn nông thôn nhưng mức sống của người dân đã được nâng cao, chúng tôi chú trọng vào chất lượng, thương hiệu, chính sách bảo hành, hậu mãi nên lượng khách hàng và doanh thu của cửa hàng tương đối ổn định”.
Hạ tầng thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương hàng hóa của người dân mà còn là tiền đề để khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển về mọi mặt. Nhằm tiếp tục nâng cấp hạ tầng thương mại nông thôn, tỉnh khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng chợ, các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh theo hướng văn minh, hiện đại.
Cùng với đó, tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ hiện có, nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, văn minh thương mại. Khuyến khích phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, tiện ích, cửa hàng kinh doanh tổng hợp ở khu vực nông thôn, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phù hợp, hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa phủ khắp toàn tỉnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nguyễn Huế
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-trien-ha-tang-thuong-mai-nong-thon-216373.htm