Từ lâu, cây bưởi được coi là cây có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, việc sản xuất và tiêu thụ bưởi gặp nhiều khó khăn, giá cả giảm so với thời điểm trước năm 2020. Vì vậy, tập trung vào chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ bưởi là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị kinh tế đang được ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện.
Sản phẩm bưởi đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân ở xã Minh Đài, huyện Tân Sơn.
Xây dựng vùng trồng bưởi tập trung
Tính đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng bưởi trên tỉnh đạt khoảng 5.600ha, tăng 140% so với năm 2015, sản lượng trung bình đạt khoảng 18.000 tấn/năm. Toàn tỉnh đã xây dựng được 161 vùng trồng bưởi tập trung với tổng diện tích 2.650ha; có 162 cơ sở với tổng diện tích 1.742ha được cấp mã số vùng trồng, trong đó 144 mã phục vụ nội tiêu, 18 mã phục vụ xuất khẩu. Diện tích bưởi sản xuất theo hướng an toàn đạt trên 3.100ha, đạt chứng nhận VietGAP gần 1.000ha…
Đến nay, Phú Thọ đã có 10 HTX, cơ sở sản xuất bưởi được công nhận đạt hạng OCOP, trong đó có 2 chủ thể đạt hạng 4 sao, 8 chủ thể đạt hạng 3 sao với sản lượng đăng ký khoảng 10.000 tấn/năm. Giá trị kinh tế do cây bưởi mang lại đạt trung bình trên 800 tỷ đồng/năm.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm bưởi trên địa bàn tỉnh, bên cạnh giống bưởi đặc sản Đoan Hùng, ngành Nông nghiệp và nhiều hộ dân đã tìm hiểu, nghiên cứu, đưa nhiều giống bưởi khác về trồng ở Phú Thọ như bưởi Diễn tôm vàng, bưởi Diễn tôm xanh, Xuân Vân, bưởi Soi Hà, bưởi da xanh, bưởi Tam Vân (đường lá nhăn), bưởi Tân Lạc…
Thực tế cho thấy, do hiệu quả kinh tế cao nên ở nhiều địa phương, người dân tích cực mở rộng diện tích trồng bưởi khiến diện tích bưởi tăng mạnh. Bên cạnh đó, các tỉnh lân cận như: Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La cũng có chủ trương phát triển mạnh các loại cây ăn quả có múi, trong đó có cây bưởi càng khiến áp lực cho việc tiêu thụ tăng mạnh. Cơ cấu giống bưởi hiện nay cũng đang mất cân đối, ngoài 2 giống bưởi đặc sản là bưởi Bằng Luân và bưởi Sửu thì bưởi Diễn chiếm tới hơn 70% trong tỷ trọng các giống bưởi còn lại, vào cao điểm thu hoạch gây ra tình trạng cung vượt xa cầu, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Hiện trạng cắt để ghép các giống bưởi mới theo hướng tự phát ngày càng phổ biến trong khi cây bưởi là cây lâu năm, cần nhiều thời gian để đạt được năng suất, chất lượng cao. Các giống mới như bưởi đường lá nhăn, Cát Quế… đang được người dân quan tâm trong giai đoạn gần đây, tuy nhiên với tình trạng cắt ghép không được kiểm soát như hiện nay thì trong vòng 3-5 năm tới, khi cây ghép bước vào thời kỳ thu hoạch rất dễ phát sinh việc sản phẩm thu hoạch ồ ạt cùng một thời điểm như giống bưởi Diễn hiện nay.
Ông Nguyễn Song Toàn -Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đoan Hùng cho biết: Hiệu quả kinh tế từ cây bưởi là rất cao, thuận tiện cho nhân ra diện rộng. Tuy nhiên, lâu nay người dân chỉ chú ý đến khâu tiêu thụ, chưa chú trọng đến chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nên việc tiêu thụ giá thành còn thấp. Để giữ vững diện tích bưởi, phát huy hiệu quả thì phải có những giải pháp cụ thể để nâng cao giá trị cho cây bưởi, tạo tâm lý yên tâm cho người trồng bưởi đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng, năng suất.
Một số sản phẩm được chế biến từ bưởi của HTX Bưởi và Dịch vụ nông nghiệp Vân Đồn được đưa ra thị trường, góp phần nâng cao giá trị cho cây bưởi.
Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ
Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành NN&PTNT rà soát để xây dựng các vùng được xác định là trọng điểm của từng địa phương, từ đó tập trung nguồn lực, nhân lực nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ thuật, xu hướng thị trường, định hướng cho người dân yên tâm phát triển sản xuất, từng bước xây dựng nên các vùng nguyên liệu chất lượng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Việc xây dựng các vườn bưởi mẫu áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thời gian qua đã khẳng định việc thâm canh giúp nâng cao chất lượng bưởi quả lên rất nhiều. Các biện pháp kỹ thuật như cắt tỉa cành, giúp vườn thông thoáng, giảm sâu bệnh; thụ phấn bổ sung, giúp tăng tỷ lệ đậu hoa, quả; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi lượng theo quy trình bón phân cân đối, góp phần tăng sức khoẻ cây trồng, tạo độ ngọt, vị thơm, qua đó nâng cao chất lượng quả bưởi.
Thời gian gần đây, ngoài sản phẩm chính là quả bưởi, các sản phẩm khác từ bưởi như vỏ, cùi, hạt hoặc các quả bưởi bói tại các vườn bưởi non chất lượng thấp đều có thể đưa vào chế biến, tạo ra các phản phẩm phụ như tinh dầu bưởi, mứt bưởi, chè bưởi, rượu bưởi… đã được một số cá nhân, HTX trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, đưa vào sản xuất, coi như một giải pháp để tăng nguồn thu nhập từ cây bưởi. Đây là một cách làm mới trên địa bàn tỉnh, có tiềm năng nhân rộng lớn trong sản xuất do cơ sở chế biến không cần phải đặt tại các vùng bưởi mà có thể mở rộng tại các huyện, thành, thị, gần các khu vực có nhu cầu mua sắm hàng, dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng.
Ông Đào Mạnh Đạt – Giám đốc HTX Bưởi và Dịch vụ tổng hợp Vân Đồn, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng- một trong những đơn vị tiên phong trong việc chế biến các sản phẩm từ bưởi, đặc biệt là tận dụng bưởi loại, bưởi non… cho biết: “Là người trồng bưởi, mỗi năm nhìn thấy số bưởi loại bị bỏ đi khá nhiều, tôi thấy rất lãng phí. Do biết một số nơi nghiên cứu, chế biến thành công mứt bưởi, tinh dầu bưởi, rượu bưởi… nên tôi đã tìm đến học tập và áp dụng ở HTX với mong muốn giảm bớt được lãng phí của bưởi loại, đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho cây bưởi”.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong giai đoạn tới, sản lượng bưởi hàng năm không ngừng tăng lên do diện tích trồng mới trong giai đoạn đến thời kỳ thu hoạch. Bên cạnh đẩy mạnh thâm canh trong sản xuất và xây dựng thương hiệu, khâu liên kết tiêu thụ cũng rất cần được quan tâm. Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến các sản phẩm từ bưởi, đặc biệt là chế biến sâu, tăng khả năng tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm từ cây bưởi.
Hiện nay, để giúp bà con nông dân mở rộng thị trường, tăng sức quảng bá, giới thiệu nông sản, trong đó có cây bưởi, bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, các kênh thương mại điện tử, ngành Nông nghiệp đã tiến hành xây dựng bản đồ nông nghiệp số của tỉnh. Thông qua đó, người tiêu dùng có thể tìm hiểu được các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, các mặt hàng đặc trưng, giá thành, truy xuất nguồn gốc xuất xứ… hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Đất Tổ bền vững, xanh, hữu cơ, thân thiện với môi trường.
Phan Cường
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-trien-cay-buoi-ben-vung-223973.htm