Trong những thành tựu tiêu biểu ở Phú Thọ – miền đất thiêng nguồn cội của dân tộc, có công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội với những kết quả rất tích cực, toàn diện.
Đó là việc tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án sinh kế, phát triển các mô hình kinh tế, tạo động lực giúp nông thôn khởi sắc, nhân dân cải thiện đời sống. Cụ thể, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 4,49% (giảm 0,7% so với năm 2022), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,65% (giảm 0,53%). Điển hình về Tân Sơn đã ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a từ năm 2018, vượt trước 2 năm so với kế hoạch, năm nay lại có gần 50% số xã, thôn thoát cảnh đặc biệt khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm cao (3%/năm).
Theo đánh giá của đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ, thành tích đạt được trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, sự tham gia tích cực của nhân dân, thì không thể không kể đến những đóng góp tích cực, hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong việc thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Công khai các thông tin về tín dụng ưu đãi tại Điểm giao dịch xã trên địa bàn
Liên tục 22 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, lãnh đạo địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể cùng tinh thần nỗ lực vượt khó của NHCSXH, dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước luôn chảy đều đặn về khắp địa bàn, đến từng bản làng, hỗ trợ kịp thời các hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ, ông Trương Việt Phương là một trong số ít cán bộ tín dụng chính sách trưởng thành và gắn bó suốt hơn 2 thập niên với cuộc hành trình của tín dụng chính sách vì an sinh xã hội, cho biết: Ngay từ thời điểm thành lập, NHCSXH Phú Thọ phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức như vốn liếng ít ỏi, cán bộ điều hành, tác nghiệp còn thiếu, địa bàn hoạt động rộng lớn lại có nhiều xã, thôn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn (vùng 3). “Trên miền đất này, khó khăn trước vừa qua, thử thách khác ập đến. Thời gian gần đây, mưa bão tàn phá nặng nề khu vực trung du miền núi phía bắc, trong đó có tỉnh Phú Thọ, nhưng những người làm tín dụng chính sách chúng tôi không nản chí, đoàn kết chung sức, chủ động vào cuộc chiến đầy cam go chống đói nghèo, quyết tâm xây dựng thực hiện phương án xử lý phù hợp; tập trung huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách”, ông Phương khẳng định.
Với ý chí không chùn bước trước những gian nan vất vả do khách quan, chủ quan gây ra và chưa khi nào tự bằng lòng về kết quả đạt được, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã tập trung huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức. Đến 31/10/2024 tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh đạt 6.379 tỷ đồng, tăng 354 tỷ đồng so với cả năm 2023. Với nguồn vốn do đơn vị tạo lập được, kể cả nguồn ngân sách từ địa phương ủy thác sang NHCSXH 136,7 tỷ đồng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt sâu sắc và triển khai sâu rộng Chỉ thị số 40/CT-TW (Chỉ thị 40) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Toàn bộ nguồn vốn này đã được NHCSXH Phú Thọ từ Hội sở tỉnh đến phòng giao dịch các huyện chuyển tải kịp thời về 225 Điểm giao dịch xã, đến 3.659 Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại thôn xóm, cụm dân cư, giúp người dân có vốn, có điều kiện thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi, mở mang ngành nghề thủ công truyền thống.
Sau hơn 22 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ, đặc biệt qua 10 năm đưa Chỉ thị 40 vào cuộc sống, Phú Thọ đã nâng số chương trình tín dụng ưu đãi từ con số 4 ít ỏi lên 20 chương trình với tổng dư nợ đạt 6.371 tỷ đồng, với 113.516 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Không chỉ vậy, Nghị định số 78 và Chỉ thị số 40 ra đời, đi vào cuộc sống đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo nông thôn bản làng, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc ở các xã vùng xa, vùng cao; đồng thời làm thay đổi về nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho những người yếu thế.
Một minh chứng là huyện miền núi Tân Sơn những năm qua đã có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để giúp người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ ứng dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn chính sách thuận lợi, sử dụng vốn vay vào mục đích sản xuất… nhờ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tân Sơn mỗi năm giảm 1,7%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3%. Anh Trần Minh Diện ở khu Liên Minh, xã Thu Ngạc chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo. Được xã, khu dân cư động viên, khuyến khích, hướng dẫn tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng và được vay vốn tín dụng ưu đãi theo chương trình hộ nghèo, giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình tôi có thêm động lực đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi. Chăm chỉ làm ăn, tích cóp, đến năm 2022, gia đình tôi đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, xây được nhà kiên cố, nuôi 2 con ăn học…”.
Hay như gia đình bà Trịnh Thị Tâm ở khu 3, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba, nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách trợ lực đã thoát cảnh nghèo túng, xây được nhà mới khang trang, kiên cố. Theo bà Tâm, trước đây gia đình rất khó khăn, chồng đau ốm, bệnh tật, con không có việc làm, thuộc diện hộ nghèo của địa phương; thiếu đất sản xuất, bản thân hay đau yếu tất cả chi tiêu trong gia đình chỉ trông cậy vào nguồn thu nhập bấp bênh từ nông nghiệp.
Thấy hoàn cảnh khó khăn, UBND xã Thanh Hà và Chi hội Phụ nữ xã đã bình xét để gia đình bà được tiếp cận 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện. Từ nguồn vốn vay, bà đã sửa sang chuồng trại, mua lợn và bò. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, đồng thời được cán bộ xã thường xuyên bám sát trao đổi, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đàn lợn, bò nhà bà Tâm phát triển tốt. Sau hơn 2 năm vay vốn, gia đình bà đã trả được nợ, thoát nghèo, xây được nhà, kinh tế gia đình dần khởi sắc.
Nhiều hộ vay vốn ưu đãi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phát triển mô hình nuôi bò sinh sản hiệu quả
Hiệu quả chặng đường hơn 22 năm hoạt động của NHCSXH tỉnh Phú Thọ ngày càng được khẳng định rõ rệt. Dòng vốn tín dụng chính sách được khơi thông, chảy đều đặn khắp làng quê; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, có đủ điều kiện đã được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi.
Từ việc hội tụ được nguồn vốn lớn, đến đổi mới phương thức truyền tải, giải ngân vốn tín dụng chính sách trong năm 2024, nhìn rộng ra đến hành trình hơn 22 năm qua, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; được lãnh đạo và nhân dân ghi nhận.
Thời gian tới, NHCSXH Phú Thọ tiếp tục bám sát các chính sách, Nghị định của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động thật nhiều nguồn vốn, chuyển tải thật nhanh chóng, an toàn dòng vốn về các làng bản phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; góp phần phấn đấu đến 2030 là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du miền núi phía Bắc.
Nguồn thoibaonganhang.vn
Nguồn: https://baophutho.vn/phu-tho-phat-huy-hieu-qua-tin-dung-uu-dai-trong-giam-ngheo-224129.htm