Là một trong những đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn được LĐLĐ huyện Thanh Ba quan tâm hỗ trợ, chị Hà Thị Cảnh – công nhân Công ty TNHH KS Tech Phú Thọ chia sẻ, hoàn cảnh gia đình chị gặp nhiều khó khăn do chồng mất, một mình phải nuôi 2 con ăn học. Tuy nhiên, từ sự quan tâm, hỗ trợ của LĐLĐ huyện và Ban lãnh đạo Công ty đã giúp chị có thêm động lực để vượt lên, nỗ lực làm việc, chăm lo cuộc sống gia đình.
Công nhân Công ty TNHH thiết kế phụ kiện thời trang Việt Nam (Cụm công nghiệp Đồng Lạng, huyện Phù Ninh) trong ca sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Hữu Quỳnh – Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Ba thông tin: Chị Cảnh là một trong nhiều trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được các cấp Công đoàn hỗ trợ, động viên kịp thời. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc chăm lo, bảo vệ người lao động, LĐLĐ huyện còn tích cực triển khai các chương trình, thỏa thuận hợp tác giữa LĐLĐ tỉnh với các đơn vị đối tác về phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người lao động có thêm kiến thức tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho bản thân.
Để giúp người lao động nâng cao nhận thức về pháp luật, hiểu đúng về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình nhằm xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa tại đơn vị, doanh nghiệp, nhiều hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp Công đoàn triển khai mạnh mẽ.
LĐLĐ tỉnh đã triển khai lấy ý kiến của đoàn viên, người lao động tham gia đóng góp vào các văn bản dự thảo chính sách, pháp luật như: Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi); dự thảo Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua tài liệu, panô, tờ gấp, sổ tay tuyên truyền bỏ túi… đến các hội nghị, đối thoại, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đồng thời tuyên truyền pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội, tủ sách pháp luật… Chủ động nắm bắt tư tưởng, đời sống, việc làm, các loại hình lương, thưởng; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng cấp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Năm 2024, đã có 1.252 cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, 433 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (có tổ chức Công đoàn) tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; 142 bản thoả ước lao động tập thể được sửa đổi, bổ sung, ký lại, ký mới có nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động được các cấp Công đoàn quan tâm, tiếp tục duy trì; công tác tư vấn pháp luật, tiếp nhận, giải quyết và tham gia giải quyết đơn thư, kiến nghị, tố cáo của đoàn viên, người lao động được quan tâm chỉ đạo.
Nhờ thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, việc làm, bảo vệ quyền lợi của người lao động, đến nay hơn 172.000 công nhân, viên chức, người lao động trong tỉnh cơ bản có việc làm, không xảy ra tình trạng bị thiếu hay mất việc làm, đảm bảo lương bình quân khoảng 7,6 triệu đồng/người/tháng… Điều kiện làm việc của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngày càng được quan tâm, môi trường làm việc được cải thiện; công tác an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện ngày càng tốt hơn.
Ngọc Tuấn
Nguồn: https://baophutho.vn/no-luc-cham-lo-bao-ve-nguoi-lao-dong-225707.htm