Thực hiện chương trình cấp nước an toàn, những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp nỗ lực cung cấp nước ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng, kiểm soát được rủi ro. Nhờ đó, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cán bộ, nhân viên Công ty CP Cấp nước Phú Thọ vận hành hệ thống thiết bị hiện đại để sản xuất nước sạch, cung cấp nước an toàn.
Hiện nay, nguồn cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn của tỉnh chủ yếu qua các công trình cấp nước tập trung, nhỏ lẻ. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 144 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đưa vào sử dụng, gồm 98 công trình cấp nước tự chảy, 46 công trình cấp nước bằng bơm dẫn, trong đó doanh nghiệp quản lý 21 công trình, UBND xã và hợp tác xã quản lý 28 công trình, cộng đồng quản lý 95 công trình. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh của tỉnh đạt 98,7%.
Là cơ quan chủ trì thực hiện cấp nước an toàn, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện, doanh nghiệp, các đơn vị quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tổ chức thực hiện cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Theo đồng chí Trần Quốc Bình – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở đã đề nghị UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo các phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung lập kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch đối với hệ thống cấp nước được giao quản lý; bố trí kinh phí khắc phục, sửa chữa, đảm bảo các công trình hoạt động hiệu quả… Đối với các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, khai thác có công trình khai thác nước mặt với quy mô trên 100m3/ngày, đêm phải lắp thiết bị quan trắc giám sát lưu lượng, chất lượng nước trong khi khai thác. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan đảm bảo an toàn cho các công trình cấp nước, thực hiện tốt các quyết định phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước…
Thời gian qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương, nguồn vốn về nước sạch và vệ sinh nông thôn, nguồn xã hội hóa để thực hiện các chính sách, đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung, nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân sử dụng nước hợp vệ sinh an toàn, tiết kiệm, đồng thời hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch, nước hợp vệ sinh…
Đồng chí Nguyễn Hải Sơn – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết: “Tháng 10/2023, công trình cung cấp nước sạch tập trung tại xã Tùng Khê với công suất thiết kế đáp ứng nước sạch cho 6.000 hộ ở 4 xã: Tam Sơn, Văn Bán, Tùng Khê, Cấp Dẫn do Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư hoàn thành, đi vào sử dụng đã giải quyết tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân các địa phương, nâng cao tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh là 98,7%”.
Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, 50% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày và tăng lên thành 80% vào năm 2045. Đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung phát triển hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn phù hợp với tập quán, điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình cung cấp nước sạch đảm bảo hiệu quả, bền vững.