Những cánh đồng trồng bí đỏ mật tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao đã bước vào đợt thu hoạch. Với thời gian gieo trồng từ tháng 9 và thu hoạch vào giữa tháng 12, mô hình trồng bí đỏ mật F1 Honey 28 – vụ đông năm 2024 đã tận dụng tốt điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của địa phương, góp phần hạn chế tình trạng đất đai bị bỏ hoang, tạo ra những vùng sản xuất tập trung, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào các cây trồng truyền thống có năng suất thấp.
Người dân phấn khởi vì bí đỏ mật được mùa, được giá.
Đây là năm đầu tiên xã Bản Nguyên triển khai sản xuất mô hình trồng bí đỏ mật F1 Honey 28 trong vụ đông. Để triển khai mô hình, ngoài việc hỗ trợ kinh phí từ chương trình của huyện Lâm Thao và của địa phương, xã Bản Nguyên đã phối hợp với Công ty giống cây trồng Toàn Cầu – Hà Nội, đơn vị cung ứng giống liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân và thành lập Ban chỉ đạo sản xuất, tổ công tác kỹ thuật, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong suốt quá trình thực hiện mô hình trồng bí đỏ mật F1 Honey 28.
Trung bình, 1 sào đất trồng bí đỏ mật có thể cho năng suất từ 300 – 450kg/sào. Với giá thu mua theo hợp đồng của Công ty giống Toàn Cầu – Hà Nội, quả từ 1,6kg trở lên được thu mua với giá 4.800 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người dân có thể thu lãi khoảng 2 triệu đồng/sào (360m2).
Bí đỏ mật ít bị sâu bệnh, dễ chăm sóc, phù hợp với đồng đất của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tân – hộ nông dân ở khu 12, xã Bản Nguyên phấn khởi chia sẻ về hiệu quả của mô hình trồng bí đỏ mật: “Hộ gia đình tôi trồng bí đỏ trên diện tích 6 sào (2.160m2). Những quả bí đạt chất lượng, nặng từ 1,6kg trở lên, vuông ở hai đầu sẽ được thu mua. Còn loại quả không đạt tiêu chuẩn, tôi sẽ giữ lại và mang ra chợ bán.
Đợt thu hoạch vừa qua, tôi thu về 11 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, tiền lãi được hơn 7 triệu đồng. Tôi thấy trồng bí đỏ không cần chăm sóc nhiều mà tiền lãi thu về cao hơn làm lúa. Có người thu mua tận nơi, giá ổn định như thế này, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng”.
Mô hình trồng bí đỏ mật F1 Honey 28 – vụ đông năm 2024 gồm 255 hộ tham gia.
Giống bí đỏ mật F1 Honey 28 phù hợp với thổ nhưỡng xã Bản Nguyên nên có sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, quả to, ngon hơn so với những giống bí thuần khác. Thực tế, trước khi bắt tay vào trồng bí đỏ mật, nhiều người dân vẫn còn lo ngại về đầu ra sản phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, đại diện vùng trồng rau bí khu 9, xã Bản Nguyên, cho biết: “Gần như 10 năm trở lại đây, người dân không canh tác vào vụ đông, đất bị bỏ trống. Khi triển khai mô hình trồng bí đỏ mật, ban đầu, bà con còn do dự, một phần vì chưa có kinh nghiệm trồng nhưng nhờ sự hỗ trợ từ huyện, xã và các đơn vị bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ đã tham gia, yên tâm sản xuất, không lo lắng về đầu ra.
Khu 9 hiện có tổng cộng 16 hộ trồng bí đỏ trên diện tích 2,5ha, trung bình mỗi hộ trồng ít nhất từ 2 – 3 sào. Nhận thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều hộ dân trong vùng cũng xin năm sau cho tham gia vào mô hình trồng bí đỏ”.
Trung bình, 1 sào đất trồng bí đỏ mật có thể cho năng suất từ 300 – 450kg/sào.
Bà Bùi Thị Kim Dung, Chủ tịch UBND xã Bản Nguyên thông tin, mô hình trồng bí đỏ mật F1 Honey 28 được triển khai từ khu 7 đến khu 14, chia thành 6 vùng trồng tập trung ở thôn Quỳnh Lâm. Toàn xã hiện có 255 hộ tham gia trồng, thực hiện tại xứ đồng Mương Mạ thuộc khu 7,8 và xứ đồng Chân Kênh 2, từ khu 9 đến khu 14 với tổng diện tích 15ha.
“Chỉ còn khoảng một tuần nữa, bà con sẽ tiếp tục thu hoạch bí đỏ ở các vùng khu 7, khu 8 và khu 14, những vùng trồng muộn hơn một bởi dính vào đợt mưa bão, phải gieo hạt chậm một vài ngày. Tuy thời tiết không thuận lợi nhưng bí đỏ vẫn phát triển tốt, chất lượng, hình dáng, kích thước vẫn được đảm bảo khi cung ứng ra thị trường” – bà Dung cho biết.
Do thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, mô hình bí đỏ mật F1 Honey 28 vụ đông ở xã Bản Nguyên bước đầu đã đạt sản lượng từ 300 – 450kg/sào.
Trong thời gian tới, xã Bản Nguyên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng bí đỏ mật, đưa cây bí đỏ trở thành cây trồng chính trong vụ đông, nhằm thay thế các giống cây trồng có năng suất kém trước đây. Mô hình này không chỉ giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân.
Mô hình trồng bí đỏ mật tại xã Bản Nguyên không chỉ là một ví dụ điển hình về sự chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp mà còn mở ra cơ hội mới cho bà con nông dân trong việc cải thiện thu nhập. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và công ty giống cây trồng, bà con nông dân xã Bản Nguyên đang ngày càng tự tin vào tương lai nông nghiệp bền vững và hiệu quả.
Bảo Thoa
Nguồn: https://baophutho.vn/niem-vui-tren-nhung-canh-dong-vu-dong-224898.htm