Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra vào tháng 3 năm 40 là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc chống lại thế lực phong kiến phương Bắc. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng, có rất nhiều nữ tướng trên quê hương Đất Tổ đã tham gia chiến đấu, trong đó có ba nữ tướng hiện vẫn được nhân dân một số địa phương thuộc thành phố Việt Trì tưởng nhớ, lập đền thờ, là di tích lịch sử văn hóa biểu tượng cho lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm của người dân Đất Việt.
Nằm yên bình bên dòng sông Lô, dưới tán cây đa cổ thụ bốn mùa xanh mát có đền thờ nữ tướng Bát Nàn, xã Phượng Lâu – một trong những vị tướng giỏi dưới thời Hai Bà Trưng, đã có công giúp hai bà lãnh đạo nhân dân đánh tan quân Tô Định, dựng nước, xưng vương. Theo Thần tích, Bát Nàn có tên khác là Thục Nương (tên đầy đủ là Vũ Thị Thục). Sinh thời, bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đẹp người, đẹp nết, giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân. Năm 18 tuổi, bà đính hôn với Phạm Danh Hương, quận trưởng Nam Châu. Thái thú Tô Định háo sắc, bạo tàn đã ép bà làm vợ nhưng bị từ chối nên trả thù bằng cách giết cha và chồng chưa cưới đồng thời cho quân lùng bắt bà. Không để rơi vào tay Tô Định, bà đã phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La (Thái Bình) nương thân, sau dựng cờ khởi nghĩa.
Năm 40 sau Công nguyên, khi vừa phát động khởi nghĩa, nghe tin Bát Nàn cũng là người cùng chí hướng với mình lại đang có sẵn lực lượng trong tay, Hai Bà Trưng liền cho người tới mời hợp sức. Bát Nàn đồng ý và kể từ đó, bà đã từng trải bao phen trực tiếp cầm quân tả xung hữu đột, đánh cho quân đô hộ Hậu Hán thất điên bát đảo. Khi Mã Viện đem quân sang đàn áp, Bát Nàn đã chiến đấu rất anh dũng, gây cho địch những tổn thất lớn, nhưng rồi vì thua kém cả về thế lẫn lực, Bát Nàn đã buộc phải thua trận và tuẫn tiết. Để tưởng nhớ công ơn bà, nhân dân xã Phượng Lâu đã lập đền thờ bà, nguyện đời đời khói hương.
Đồng chí Huỳnh Tấn Minh – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đền thờ Bát Nàn hàng năm mở tiệc vào ngày 15-8 âm lịch. Xưa kia, trong ngày này làng thường tổ chức bơi chải, Hát Xoan, cỗ thường bày trên các mâm đan lót lá. Từ đầu tháng Tám, dân làng đã tấp nập chuẩn bị cho ngày hội làng. Người xa quê kéo khách về, người trong làng mời bạn đến. Đến nay, một số nghi thức vẫn được lưu giữ để tưởng nhớ công ơn của bà, đền vẫn được hương khói thường xuyên và mở cửa đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, du khách”.
Bên trong ngôi đền thờ Bát Nàn đại tướng quân.
Xuôi dòng sông Lô, đến đền Tam Giang Thượng, phường Bạch Hạc hay còn gọi là đền thờ Quách A Nương nằm yên bình đón gió ven ngã ba hợp lưu của sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Nơi đây thờ nữ tướng anh hùng Quách A Nương Khâu Ni đã có công giúp Hai Bà Trưng giết giặc, cứu dân, cứu nước. Tương truyền, Quách A Nương, còn được gọi tên là Quách A sinh ra và lớn lên tại một xóm chài nhỏ thuộc vùng đất Bạch Hạc, là con gái độc nhất trong gia đình. Năm 16 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, Quách A cắt tóc đi tu và lấy hiệu là Khâu Ni. Nàng đi tới đâu cũng thấy cảnh giặc Hán hoành hành, ức hiếp dân lành nên trong lòng càng nung nấu ý chí căm thù. Khâu Ni đã âm thầm tập hợp những người giàu lòng yêu nước, cùng nhau tập luyện bắn cung, múa kiếm, ném lao, từ đánh bộ đến đánh thủy đều rất thông thạo.
Khi Hai Bà Trưng truyền hịch khắp nơi, kêu gọi các hào kiệt đứng lên giúp nước. Quách A Khâu Ni đáp ứng lời hịch, cùng quân sĩ họp mặt tại Mê Linh yết kiến Trưng Vương nữ chủ. Sau khi giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi Thái thú Tô Định ra khỏi bờ cõi, Bà Trưng lên ngôi, cấp hai vùng đất Bạch Hạc và Nhật Chiểu (nay là thôn Cựu Ấp, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) làm thực ấp. Từ đây bà mở mang thực ấp, trồng dâu, nuôi tằm, đắp bờ, cấy lúa được ba năm thì mất, nhân dân tưởng nhớ công ơn nên lập đền thờ bà tại đất Bạch Hạc. Hằng năm cứ đến ngày 15-2 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội, trong đó có tế, lễ tại đền, tổ chức rước nước từ ngã ba sông về để thờ. Hiện nay, đền thờ được mở cửa hằng ngày để nhân dân đến thắp hương tưởng nhớ.
Cũng từng là một trong những nữ tướng với chiến công lẫy lừng góp mặt trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là Nàng Nội. Theo Thần tích, Kẻ Lú, phường Minh Nông có nàng Nội là cháu gọi Thi Sách (chồng của Trưng Trắc) bằng chú ruột. Vì căm giận ách thống trị tàn bạo của quân đô hộ nhà Hậu Hán, thân sinh của nàng Nội và Thi Sách dự tính sẽ tổ chức nhân dân nổi dậy đấu tranh, nhưng vì kế hoạch bị bại lộ nên cả hai anh em đều bị Tô Định giết hại. Để tránh sự trả thù, hai mẹ con Nàng Nội phải tạm lánh sang phía hữu ngạn sông Hồng. Nhưng, đến đó chưa được bao lâu thì thân mẫu của nàng cũng vì lo lắng và buồn rầu nên đã qua đời. Khi nghe tin Hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa, nàng Nội đã hăng hái xin theo. Binh lính dưới quyền chỉ huy của nàng đã đánh thắng giặc nhiều trận lớn ngay tại quê hương của mình, khiến chúng phải kính nể gọi nàng Nội là “Nữ thần Bạch Hạc”. Khi Mã Viện đem quân sang đàn áp, nàng Nội là tướng chỉ huy quân đội của Trưng Nữ Vương ở khu vực Bạch Hạc đã chiến đấu rất ngoan cường và gây cho giặc rất nhiều tổn thất nặng nề. Khi bị giặc đàn áp bà đã anh dũng hy sinh tại Bạch Hạc lúc tuổi đời mới vừa đôi mươi. Để mãi mãi tôn vinh và ghi nhớ công đức to lớn của bà, nhân dân địa phương đã luôn hương khói tưởng nhớ bà.
Việt Trì vốn là mảnh đất còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa đặc sắc liên quan đến kinh đô Văn Lang và thời đại Hùng Vương dựng nước, với hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc cội nguồn. Trong đó, đền thờ những nữ tướng thời Hai Bà Trưng đã trở thành điểm tựa tâm linh, nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của đông đảo nhân dân địa phương, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa, đoàn kết cộng đồng và phát triển kinh tế địa phương.
Vy An