Xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk có 6 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ (gồm 1 buôn đồng bào Êđê và 5 buôn M’nông) với 4.862 khẩu.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn song trong những năm qua, đồng bào các buôn làng vẫn nỗ lực gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống như: Nhà sàn, những bộ cồng chiêng, ché rượu cần, trống hgơr, ghế kpan, giường jhưng…
Già làng Y Cơi Niê (Ama Bích) ở buôn Chố Kuanh nổi tiếng là người mẫu mực, nhiệt tình, tâm huyết trong công việc của buôn làng, lại năng động, làm kinh tế giỏi. Không những vậy, ông còn được biết đến là người còn lưu giữ được nhiều đồ vật truyền thống quý của gia đình.
Ngôi nhà sàn của gia đình ông hiện đã được cải tạo khang trang, chắc chắn hơn song vẫn giữ nguyên vẹn nét truyền thống. Trong nhà ông, 3 bộ cồng chiêng các loại, 1 chiếc ché, 1 cái trống hgơr, 1 chiếc mâm đồng, 1 bộ đồ cúng bằng đồng, ghế kpan… do tổ tiên để lại được ông gìn giữ như báu vật.
Già làng Ama Bích cho hay: “Tất cả những thứ này trước đây có được đều do cha mẹ vợ mình đổi bằng voi, trâu, bò. Khi ông bà mất có dặn hãy giữ gìn cẩn thận những đồ vật này, không được bán và không để kẻ gian lấy trộm mất. Thời gian qua có rất nhiều người vào hỏi mua giá cao nhưng mình nhất quyết không bán, phải gìn giữ cho con cháu đời sau”.
Những bộ cồng chiêng, trống, đồ cúng nhiều năm tuổi là tài sản lớn của gia đình già làng Y Cơi Niê (Ama Bích) ở buôn Chố Kuanh.
Còn ở buôn Mnăng Tar có già làng Y Siêk Niê (Ama Klih) vẫn giữ được nghề đan truyền thống.
Gia đình ông còn gìn giữ 2 nếp nhà sàn dài M’nông cùng nhiều đồ vật quý giá do cha ông để lại; trong đó, giá trị nhất phải kể đến 2 bộ chiêng, 2 bộ cồng, 2 chiếc ché, 1 cái trống hgơr, 1 chiếc nồi đồng, 1 chiếc kpan và 1 chiếc giường jhưng. Không phải ai cũng may mắn được ông chia sẻ về những vật dụng quý giá mà ông đang lưu giữ, nhất là người lạ. Những bộ cồng chiêng được ông nâng niu, cất cẩn thận trên gác, nhiều người muốn xem, hỏi thông tin và muốn chụp hình nhưng ông không đồng ý.
Già Ama Klih chia sẻ: “Trước đây nhiều gia đình trong buôn đã bị kẻ gian vào lấy trộm mất những bộ cồng chiêng, ché cổ. Những bộ cồng chiêng, ché cổ của ông bà để lại rất giá trị về tâm linh nên gia đình giữ gìn rất cẩn thận, không phải người lạ nào cũng có thể đụng vào được”.
Buôn Mghí và buôn Tul là hai buôn có nhiều gia đình còn giữ được “báu vật” nhất. Theo ông Y Thác Niê Kdăm ở buôn Tul (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao) thì ở buôn Tul hiện còn khoảng 80% gia đình vẫn giữ được nhà sàn, nhiều hộ còn giữ được những vật dụng nhiều năm tuổi như cồng chiêng, ché, trống, ghế kpan rất giá trị…
Gia đình ông Y Thác cũng giữ được bộ cồng chiêng cổ, không xác định được thời gian. Hay như gia đình già làng Y Xuân M Drang (Ama Slớp) trước đây thuộc diện khá giả trong buôn nên có voi và nhiều trâu, bò. Bố mẹ vợ ông đã đổi voi để lấy bộ cồng chiêng và những chiếc ché.
Là già làng, lại là thầy cúng, Ama Slớp biết được giá trị của những bộ cồng chiêng, ché cổ này nên ông luôn giữ gìn cẩn thận. Ama Slớp luôn mong con cháu và mọi người trong buôn biết gìn giữ cẩn thận chiêng ché để sử dụng vào các lễ cúng và để lại cho đời sau.
Những bộ cồng chiêng, trống, ghế Kpan của già làng Y Siêk Niê (Ama Klih) ở buôn Mnăng Tar là báu vật của gia đình và buôn làng.
Với bà H Dắt Êban (Amí Thành, cũng ở buôn Tul) tuy không biết 2 bộ chiêng và 2 cái ché của gia đình có từ bao giờ và cũng không biết giá trị của nó ra sao song bà luôn nâng niu, xem những vật dụng này là tài sản vô giá của gia đình, đặc biệt là 2 chiếc ché cổ. Dù kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn, nhiều người ngỏ ý mua chiêng, ché với giá trị cao nhưng bà đều từ chối. Bà bảo dù có khó khăn đến thế nào thì cũng không bán những đồ vật này mà giữ gìn để lại cho con cháu sau này.
Cuộc sống ngày càng phát triển, việc bảo tồn những “báu vật” quý của buôn làng cũng rất khó khăn. Nhiều già làng, người cao tuổi, người có uy tín trong các buôn làng ở Yang Mao thừa nhận: một số lễ hội, lễ cúng truyền thống hay nhiều đồ vật quý, gắn với đời sống người dân bao đời đang có nguy cơ bị mai một.
Vì vậy, bà con rất mong, cùng với việc thường xuyên mở các lớp dạy cồng chiêng, phục dựng các lễ hội, tổ chức các hội thi, liên hoan thì các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng, phục hồi không gian văn hóa cồng chiêng để việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống phải xuất phát từ nhu cầu về tâm linh của đồng bào ở đây. Nếu làm được vậy mới có thể bảo tồn được một cách bền vững…
Tùng Lâm (Báo Đắk Lắk)
Nguồn: https://baophutho.vn/nhung-nguoi-luu-giu-bau-vat-cua-buon-lang-220082.htm