Để tạo điều kiện phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, các cơ quan chuyên môn của huyện Yên Lập và các tổ chức hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… đã giúp các hội viên vay vốn, học tập kinh nghiệm, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất. Từ đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự thân vận động, ý thức vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, giúp các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Nhờ nhân rộng mô hình trồng quế, hàng trăm hộ ở các xã Trung Sơn, Thượng Long của huyện Yên Lập đã thoát nghèo bền vững.
Đến xã Thượng Long, huyện Yên Lập hỏi những hộ trở thành tỷ phú từ cây quế, hầu như người dân trong xã đều đánh giá cao gia đình bà Triệu Thị Vân. Vốn là một hộ thuộc diện nghèo của xã, từ cuối những năm 1990, khi được giới thiệu về cây quế, gia đình bà đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng quế và học tập nghề ươm cây giống, cung cấp cho các hộ có nhu cầu tại địa phương. Nhờ cây quế, gia đình bà Vân có thu nhập trên 1,4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với thu nhập khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Vân chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 12ha quế, trong đó 8ha đã cho thu hoạch. Ngoài ra, tôi còn ươm bán cây quế giống, trung bình một năm bán khoảng 80 vạn cây, thu mua và chế biến các sản phẩm từ quế như cành, vỏ, lá. Cây quế cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây trồng khác. Tôi và nhiều hộ trồng quế trong xã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người theo phương châm người trồng trước hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho người trồng sau để nhân rộng diện tích trồng, giúp các hộ khó khăn trong xã thoát nghèo”.
Cây bưởi hiện đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực ở một số xã như: Xuân Viên, Xuân Thủy, Phúc Khánh, Đồng Thịnh, Hưng Long… Là một trong những hộ đầu tiên đưa cây bưởi Diễn về đồng đất Xuân Thủy từ hơn 20 năm trước, đến nay vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Nên cho doanh thu trên 500 triệu đồng/năm.
Bên cạnh cây bưởi, gia đình ông còn xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp VAC, bình quân tổng doanh thu của gia đình đạt trên 1,6 tỷ đồng/năm. Từ mô hình trồng bưởi kết hợp chăn nuôi của gia đình ông Nên, nhiều hộ trong và ngoài xã Xuân Thủy đã mạnh dạn học tập, đầu tư làm theo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài những mô hình trên, huyện Yên Lập cũng đã xây dựng thành công nhiều mô hình chăn nuôi gà, lợn, dê thương phẩm; nuôi cá tầm, cá koi… được nhân rộng và ứng dụng rộng rãi, giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện giảm nghèo bền vững.
Bà Đinh Thị Thúy Hường – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Phòng tích cực tham mưu cho huyện có chủ trương khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với thực tế tại địa phương, nhân ra diện rộng; khuyến khích các hộ cùng sản xuất một mặt hàng thành lập các tổ hợp tác, HTX để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, huyện Yên Lập chú trọng đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các HTX và các thành phần kinh tế khác để ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tiêu thụ nông sản, các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các chủ thể.
Phan Cường
Nguồn: https://baophutho.vn/nhan-rong-cac-mo-hinh-kinh-te-215491.htm