Bên con đường bê tông, ngôi nhà sàn của chị Lục Thị Huế (thôn Bình Minh, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) bình yên như bao ngôi nhà sàn khác. Phía sau vẻ bình dị, là tiếng lách cách nhịp nhàng của những chiếc máy khâu hoạt động hết công suất. Chị Huế đang giữ một nghề đặc biệt: Nghề may trang phục truyền thống các dân tộc.
Như ong mê mải
Rực rỡ sắc màu thổ cẩm, những người phụ nữ dân tộc thiểu số vừa may vừa chuyện trò râm ran. Trên tường, thành phẩm là những bộ quần áo Tày, quần áo Pà Thẻn, Mông, Dao… sặc sỡ, như thêm sắc màu, thêm niềm vui vào câu chuyện ngày mùa của các chị, các mẹ.
Chị Lục Thị Huế.
Nếu không nói, ít người biết chị Huế không phải người gốc Minh Quang. Dáng vẻ thật thà và chân chất, giọng nói cũng đặc trưng của người Tày, nhưng chị Huế là cô gái ở đất cam sành Hàm Yên lên Minh Quang làm dâu.
Những ngày mới về làm dâu, không quen nhiều với công việc đồng áng, chị mở một tiệm may nhỏ ngay tại nhà, chủ yếu nhận may đồ âu cho người dân có nhu cầu trong thôn.
Mỗi mùa xuân, thấy chị em trong làng cùng khâu tay những chiếc còn rực rỡ, giặt lại những bộ trang phục truyền thống để chuẩn bị chơi hội, chị Huế thích lắm. Chị bảo: Mình cũng là người Tày ở Hàm Yên, nhưng ở quê mình, không gian văn hóa không còn đậm đà và đặc sắc như ở quê chồng đâu… Nhìn những vuông vải đủ màu sắc, mỗi hoa văn lại mang một dấu ấn, một câu chuyện riêng, chị Huế thích mê.
Tiệm may nhỏ của chị Huế rực rỡ sắc màu thổ cẩm.
Chị nhờ mẹ chồng, là bà Ma Thị Hà hướng dẫn cách khâu một chiếc còn. Thuần thục rồi, chị lại nhờ mẹ chồng, chị chồng dạy cách may đo một chiếc áo của phụ nữ Tày để xúng xính cùng chị em… Những ngày đầu mới học thêu thổ cẩm, chị Huế không phân biệt được mặt phải mặt trái của vải. Nhưng càng học hỏi, chị Huế càng như con ong mê mải với hương hoa rừng, mà cuốn vào thế giới của màu sắc, của truyền thống quê hương.
Cơ duyên theo nghề đặc biệt
Thấy chị Huế có đam mê đặc biệt, cũng có năng khiếu may vá, thêu thùa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình Ma Thị Hồng đặt hàng: May trang phục truyền thống theo đơn đặt hàng của Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình.
Chị Huế gật đầu ngay.
Những ngày đầu mới học, cũng phải bỏ đi nhiều. May đo trang phục truyền thống có cái khó là không có sản phẩm mẫu, mọi công đoạn đều do mình mày mò, học hỏi mà thành. Ngay cả cách đặt thổ cẩm trên nền vải, cũng đòi hỏi sự tinh tế, thẩm mỹ, sao cho không nhiều, không ít, mà phải tạo được điểm nhấn cho người mặc.
Có những đêm, 2 – 3 giờ sáng, Lục Thị Huế vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu, làm sao để cho ra được sản phẩm ưng ý nhất. Chị bảo, mệt thế mà chưa bao giờ mình thấy nản. Mỗi lần hoàn thành một chiếc áo, chiếc váy, mình lại như lạc vào những câu chuyện cổ tích của đồng bào mình vậy. Chẳng thế, những sản phẩm của người phụ nữ Tày Lục Thị Huế ngày càng mượt mà, có hồn hơn.
Không chỉ làm theo đơn đặt hàng của Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình, tình yêu nghề ấy cũng truyền cho biết bao người dân tộc Tày ở Minh Quang.
Chị Lục Thị Huế hướng dẫn chị Ma Thị Tầm may trang phục truyền thống của người Pà Thẻn.
Ngôi nhà sàn giờ ngày nào cũng tấp nập người, nhất là những ngày cuối năm, ngày lễ hội.
Phụ nữ may đo áo dài truyền thống, may chăn theo từng mùa. Đàn ông may đo đồ đàn ông. Trẻ em nhỏ được bố mẹ đặt may những chiếc mũ, chiếc địu, lớn hơn chút nữa thì được may đo quần áo. Ngay cả những chiếc còn cho mùa Lễ hội Lồng tông, giờ cũng không đơn thuần chỉ được đặt hàng vào mùa xuân nữa, mà được đặt hàng quanh năm làm quà tặng, làm đồ trang trí tại các Homestay, các nhà hàng… Tiệm may nhỏ ban đầu được mở ra để may đo đồ âu, giờ chuyển hướng hoàn toàn.
Đặc biệt, chị Huế học cách tự tay nhuộm vải từ cây chàm theo đơn đặt hàng của khách. Chị bảo: Nhuộm chàm mất thời gian hơn, màu sắc không được bền và đẹp như vải mua sẵn, nhưng lại được nhiều người yêu thích hơn.
Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, tiệm may của chị Lục Thị Huế giờ tạo thêm việc làm cho rất nhiều phụ nữ địa phương. Người biết may thì phụ may, người không biết may thì khâu tay, vắt sổ, rồi khâu còn… Cứ thế, công việc cuốn họ đi trong những sắc màu và thanh âm rộn ràng.
Chị Ma Thị Tầm – đang học nghề may ở tiệm may nhỏ của chị Lục Thị Huế được truyền tình yêu với trang phục truyền thống của người chủ, cũng miệt mài bên chiếc máy khâu mỗi ngày. Với chị Tầm, sống trong sắc màu thổ cẩm và hương chàm, cũng là một cách để lưu giữ truyền thống bền lâu hơn với thời gian.
Trần Liên/Báo Tuyên Quang
Nguồn: https://baophutho.vn/nguoi-thap-mau-ban-sac-221688.htm