Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của đồng bào Mông tại bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cũng ngày càng được nâng cao. Song song với đó, đời sống tinh thần thể hiện qua những nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào tiếp tục được gìn giữ và phát huy.
Toàn cảnh khu Mỹ Á
Sinh sống tập trung tại khu Mỹ Á, đồng bào dân tộc Mông chỉ chiếm 0,12% dân số trên địa bàn huyện Tân Sơn, tuy nhiên, những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc của người Mông luôn sống động, người lạ cũng có thể nhận ra. Từ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, những tinh hoa văn hóa truyền thống của đồng bào tiếp tục được duy trì, bảo tồn và phát huy, trong đó, trang phục, ngôn ngữ, âm nhạc dân gian, lễ hội và những nét văn hóa của người Mông được quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Các em học sinh dân tộc Mông tập chơi ném Pao tại sân trường trong giờ ra chơi
Anh Mùa A Cảng – Trưởng khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cho biết: Khu có 142 hộ, trên 800 khẩu, trong đó trên 90% đồng bào dân tộc H’Mông. Đồng bào còn giữ được một số nét văn hóa truyền thống như múa và thổi khèn, kèn lá, một số trò chơi truyền thống. Vào dịp lễ, Tết, khu Mỹ Á tổ chức các hoạt động như: Múa và thổi khèn, ném Pao, đánh quay, bắn nỏ… Qua đó vừa vui hội, vừa gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhắc đến văn hóa dân tộc Mông, không thể không nhắc đến bộ trang phục, đặc biệt là chiếc váy của phụ nữ. Màu sắc rực rỡ, hoa văn phong phú, nổi bật, “đung đưa” theo bước chân các mẹ, các chị xuống chợ, lên nương… Trước đây, phụ nữ Mông đều tự dệt, may trang phục, ngày nay, bà con sử dụng vải dệt công nghiệp, có thể mua sẵn, nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các họa tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống. Màu sắc và một chút cách tân càng làm nổi bật thêm những nét độc đáo của bộ trang phục này. Một người phụ nữ tại bản Mông Mỹ Á cho biết: Nếu làm tranh thủ thì cần khoảng 6 tháng để hoàn thành chiếc váy, váy tự làm sẽ dày và nặng hơn nên thường mặc khi đi chơi, đi lễ hội. Phụ nữ Mông đều có thể tự may váy áo cho mình…
Ông Sùng A Câu (bên trái) và những người lớn trong bản biểu diễn thổi và múa khèn
Dường như có sự tương phản với bộ trang phục, váy áo của phụ nữ Mông, tiếng khèn Mông trên tay người đàn ông có âm sắc trầm ấm, điệu múa uyển chuyển, độc đáo. Theo phong tục, khèn Mông gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào và mỗi cuộc đời của người Mông. Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống, là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của người Mông. Tiếng khèn đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình. Cùng với khèn, người Mông biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác, âm nhạc Mông từ giai điệu, tiết tấu, đến âm sắc… kết thành một thể thống nhất, truyền vào con người tinh thần yêu đời, đoàn kết, yêu thương nhau.
Ông Sùng A Câu – Người có uy tín bản Mỹ Á chia sẻ: Muốn lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc thì mình phải truyền đạt những gì mình biết cho con cháu, sau này mình già đi, các cháu sẽ là người giữ gìn và lưu truyền. Do đó, vào dịp hè, các bác, các chú trong bản tổ chức dạy các cháu tập múa khèn, tập thổi khèn để các cháu biết và yêu thích. Người lớn cũng hướng dẫn các cháu nhỏ về ý nghĩa, cách chơi những trò chơi của đồng bào Mông như đánh quay, ném Pao, bắn nỏ…
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông tại Mỹ Á ngày càng được nâng cao
Trong thung lũng dưới đỉnh Củm Cò, đường về Mỹ Á đã được trải nhựa, đổ bê tông phẳng phiu, những ngôi nhà xây kiên cố, lợp mái tôn đang thay dần mái lá; những chiếc xe máy, ô tô chở hàng thay cho ngựa, trâu… Trên sân điểm Trường Tiểu học Mỹ Á, học sinh trong giờ ra chơi vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông là chơi ném Pao, đánh quay…
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông từ mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, sắc màu văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông vẫn đang tiếp tục được bảo tồn, phát triển.
Hoàng Giang
Nguồn: https://baophutho.vn/nguoi-mong-duoi-chan-nui-cum-co-223011.htm