Cộng đồng người dân tộc Sán Chỉ ở Cao Bằng sinh sống chủ yếu ở hai huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm. Nền văn hóa dân tộc Sán Chỉ đậm đà bản sắc, được phản ánh qua hệ thống các lễ hội lâu đời, phong tục, tín ngưỡng, chuyện cổ tích, thơ ca, kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống… Cùng với sự biến thiên của thời gian, nền văn hóa của dân tộc Sán Chỉ ở Cao Bằng được các thế hệ tiếp nối gìn giữ, phát huy, góp phần làm nên sự đa dạng trong bức tranh văn hóa của cộng đồng các dân tộc tỉnh.
Người Sán Chỉ sống tập trung thành xóm nhỏ ở các vùng núi cao. Kiểu dáng nhà ở đặc trưng là nhà sàn 4 mái vững chãi. Bên trong ngôi nhà sàn cũng tương tự như người Tày, Nùng nhưng được thiết kế chặt chẽ, phù hợp với nhu cầu và điều kiện sống. Trong nhà có 2 – 3 buồng ngủ bố trí hợp lý hai bên trái, phải. Bếp được đặt ở phần cuối gian giữa của ngôi nhà, đây là nơi để nấu ăn và là nơi các thành viên trong gia đình quây quần bên bếp lửa. Phía trên bếp lửa là gác bếp, thường dùng làm kho chứa đồ cũng như tận dụng sức nóng của lửa để bảo quản lương thực. Trước cửa có sàn, thường dùng để phơi thóc, nơi để ngồi thêu thùa, may vá, bên dưới sàn nhà thường để nông cụ, gia súc. Ngoài ra, trong kết cấu ngôi nhà còn bố trí một buồng nhỏ lúc nào cũng đóng kín, ngay cả chủ nhà cũng chỉ vào buồng này vài lần trong năm. Đây chính là nơi tùy theo dòng họ người Sán Chỉ thờ Ngọc Hoàng, Táo quân… mà họ gọi là “hương hỏa”. Đồng bào Sán Chỉ ngoài thờ cúng tổ tiên còn thờ trời, đất, thổ công, bà mụ, thần nông, thần chăn nuôi…
Người Sán Chỉ làm ruộng là chính. Họ tiếp cận và vận dụng nền văn minh lúa nước từ rất lâu. Ngoài trồng trọt, họ chăn nuôi các loại vật nuôi truyền thống. Đây là nghề chính đem lại thu nhập chủ yếu cho từng gia đình người Sán Chỉ. Bên cạnh đó, họ có nghề thủ công như: làm mộc, đan lát mây tre, rèn. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ mang tính tự cung, tự cấp trong cộng đồng, chưa trở thành hàng hóa phổ biến. Nhiều nghề thủ công hiện vẫn được người Sán Chỉ giữ gìn và phát triển.
Trang phục truyền thống mặc trong các dịp lễ, tết của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ.
Trong trang phục, phụ nữ Sán Chỉ mặc trang phục giản dị, không rực rỡ như trang phục của người Mông, người Dao. Trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Chỉ là sự kết hợp hoàn hảo giữa nét đẹp truyền thống và sự tinh tế trong từng đường may. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Chỉ về cơ bản gồm những yếu tố: quần, áo trong, áo ngoài, thắt lưng và khăn vấn tóc. Vào những ngày lễ, tết, trên trang phục của người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ sẽ có thêm thắt lưng, dải yếm và nhiều trang sức bạc.
Ngược lại, bộ trang phục nam của người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên vẻ khỏe khoắn, mạnh mẽ. Trang phục nam được may bằng vải chàm với áo bà ba, áo có hai túi rộng, quần dài, ống quần rộng mềm mại về kiểu dáng để thuận tiện cho việc lao động, trồng trọt chăn nuôi và tiện lợi cho việc đi lại, leo trèo…
Phong tục, tập quán lâu đời của đồng bào Sán Chỉ phản ánh đậm nét nhất qua các lễ hội truyền thống, tiêu biểu là lễ cầu mùa, lễ cấp sắc, lễ dựng bồ thóc… được lưu truyền từ xa xưa và bảo tồn qua nhiều thế hệ, giàu tính nhân văn, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên.
Người Sán Chỉ nổi tiếng yêu ca hát. Những câu dân ca được cộng đồng sáng tác và lưu truyền trên cơ sở nét văn hoá riêng có của dân tộc, những phong tục, tập quán và qua quá trình lao động. Hát dân ca của người Sán Chỉ gắn liền với tập tục hôn nhân, chúc thọ, mời rượu, đối đáp trao duyên và được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh và không gian khác nhau. Các làn điệu dân ca của người Sán Chỉ: Soóng cọ, Sình ca… Ngoài ra còn có các điệu múa dân gian đặc sắc như: múa Tắc xình, múa trống, múa đâm cá… Cùng với các trò chơi dân gian độc đáo đánh yến, đánh quay…Lời ca, tiếng hát với đồng bào Sán Chỉ chính là một món ăn tinh thần không thể thiếu, có tác dụng khích lệ, động viên, giúp con người xích lại gần nhau, yêu quê hương, làng bản của mình hơn.
Trong nghi lễ truyền thống, người Sán Chỉ có lễ thành đinh (thổm cuổn) rất độc đáo. Con trai dân tộc Sán Chỉ khi tới 11 – 12 tuổi, bố mẹ phải đón thầy tào về nhà làm lễ thành đinh – lễ công nhận sự trưởng thành. Lễ thường diễn ra trong 5 ngày; trong thời gian tiến hành lễ cấp sắc, mọi người đến dự lễ đều phải ăn chay, không sát sinh. Các thầy tào đọc cho người thụ lễ mười điều nguyện, mười lời thề và mười điều cấm, như: không được sống gian lận, không được chửi mắng bố mẹ.., tất cả đều hướng cho người được cấp sắc sống đẹp, sống có ích cho xã hội. Với quan niệm, đàn ông nếu chưa cấp sắc thì chưa trưởng thành, khi bố mẹ mất thì không được thờ cúng. Vì vậy, nếu đời bố chưa cấp sắc, đời con phải làm lễ 6 bước; đời ông chưa cấp sắc, đời bố chưa cấp sắc thì đời con phải làm 9 bước.
Phụ nữ Sán Chỉ may quần áo thủ công.
Về nghi lễ tang ma, theo phong tục, người Sán Chỉ có hai hình thức làm ma (làm ma tươi, làm ma khô), song thông thường chọn cách thức tổ chức làm ma tươi. Lịch trình tổ chức tang lễ của người Sán Chỉ sẽ do các thầy cúng chủ động điều hành. Khi phát tang, tang chủ sẽ phải cắt tóc ngắn để thuận lợi trong việc thực hiện tục kiêng kị. Cụ thể, con trai không cắt tóc trong vòng 120 ngày đối với mẹ mất và 90 ngày đối với bố mất. Ngoài ra, trước khi đưa bố mẹ ra đồng, các con trai, gái, dâu không được dùng bát đũa ăn cơm mà dùng lá chuối ăn cơm, không được uống nước (trừ nước được thầy tào lấy sẵn), phải ăn chay tuyệt đối; con dâu, con trai không ngủ chung giường 21 ngày, đặc biệt trước khi làm lễ siêu thoát cho người chết, con cháu không được sát sinh.
Trong nghi lễ đám cưới, người Sán Chỉ ăn hỏi 3 lần. Trải qua 3 lần ăn hỏi, nhà trai phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật thách cưới mà nhà gái đưa ra. Thông thường là 100 kg thịt lợn và bạc trắng (ngày nay không dùng bạc trắng mà quy đổi ra tiền). Nếu nhà trai chấp thuận và đáp ứng thách cưới thì sẽ tiến hành lễ ăn hỏi chính thức. Sau lễ ăn hỏi sẽ tới lễ cưới, nhà gái sẽ tổ chức trước 1 ngày. Lễ cưới tại nhà trai cầu kỳ và nhiều nghi thức. Trước tiên, khi chuẩn bị sang nhà gái, những lễ vật của những người đi đón dâu đều được tập trung lại chính giữa nhà để quan lang làm phép. Khi xuất phát, quan lang ra khỏi nhà đầu tiên, đứng dưới mái nhà làm phép và giương ô lên những người trong đoàn đón dâu lần lượt chui đi qua dưới cánh tay ông. Nghi thức này sẽ được lặp lại trong ngày hôm sau tại nhà gái, lúc đoàn đưa đón dâu trở về nhà trai. Cô dâu Sán Chỉ dùng khăn che mặt và phải đi chân đất ra khỏi nhà, khi đi cần chậm chạp để lại hai vệt chân đi từ nhà ra khỏi xóm. Trên đường đi, lúc qua cầu, khi vượt suối, cô dâu phải bỏ lại trên cầu, ném xuống suối một đồng xu hoặc vài hạt gạo.
Người Sán Chỉ rất coi trọng đời sống tình cảm. Những người trong cùng một họ luôn dành những tình cảm thắm thiết và sự tôn trọng lẫn nhau. Vào dịp Tết hằng năm, người Sán Chỉ thường tổ chức đi thăm hỏi anh em họ hàng. Họ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp về sức khoẻ, cuộc sống, làm ăn, sự may mắn. Đó cũng là những bài học họ làm gương để nuôi dạy con cái. Với người Sán Chỉ, trong gia đình mà các bậc sinh thành còn sống khỏe mạnh, dạy bảo con cháu thì đó là một niềm tự hào.
Dù trải qua thời gian, có những thay đổi về kinh tế – xã hội, người Sán Chỉ vẫn luôn lưu giữ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đó không chỉ là bản sắc dân tộc mà còn là truyền thống nối tiếp, là kết tinh văn hóa trong dòng chảy của cộng đồng các dân tộc miền non nước Cao Bằng.
Thủy Tiên/Báo Cao Bằng
Nguồn: https://baophutho.vn/net-dep-trong-van-hoa-cua-dan-toc-san-chi-217962.htm