Bồi dưỡng kiến thức dân tộc là nội dung số 1, Tiểu dự án 2 (DA5) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm mục tiêu nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa các dân tộc, chính sách dân tộc, cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc.
Cụm thi số 4: Xã Văn Miếu,Tân Minh, Tân Lập huyện Thanh Sơn tuyên truyền xóa bỏ tập tục văn hóa có hại và định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình
Qua đó, vận dụng vào thực tiễn quá trình công tác, góp phần thực hiện tốt các nội dung của Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Phú Thọ là tỉnh miền núi có 13 huyện, thành, thị trong đó có 10 huyện miền núi, 183 xã, thị trấn miền núi. Toàn tỉnh còn 26 xã ĐBKK, CT229 và 70 thôn ĐBKK; với 50 dân tộc cùng chung sống; người DTTS có trên 250 nghìn người chiếm 17% dân số toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy; có 4 DTTS sống tập trung thành làng bản có bản sắc văn hoá và phong tục tập quán riêng đậm nét đó là dân tộc Mường, Dao, Cao Lan (Sán Chay) và dân tộc Mông; dân tộc Mường có dân số đông nhất với trên 218 nghìn người chiếm 84% dân số là người DTTS và 14,3% dân số toàn tỉnh.
Trong những năm qua đội ngũ cán bộ ở các xã miền núi vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh được tăng cường về số lượng, trình độ, cơ cấu ngày càng hợp lý hơn. Đây là lực lượng nòng cốt cùng với đồng bào các dân tộc ở các xã miền núi vùng sâu, vùng xa tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc phải thực sự có kiến thức dân tộc sâu rộng để đi sâu, đi sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân thì mới có thể làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nói đồng bào mới nghe, thực hiện theo. Bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương, với vai trò là cơ quan tham mưu về công tác dân tộc, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc được Ban Dân tộc tỉnh tổ chức thực hiện một cách bài bản, có hiệu quả. Học viên tham dự lớp bồi dưỡng được lĩnh hội nhiều nhóm kiến thức chuyên đề về: Tổng quan các dân tộc thiểu số Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; pháp luật và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các học viên còn được thông tin các kiến thức về công tác quản lý Nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số; công tác quốc phòng an ninh ở vùng DTTS và miền núi; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở vùng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham mưu, theo dõi công tác dân tộc ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư trong vùng đồng bào DTTS.
Lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 4 do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức.
Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng đã quán triệt và phổ biến sâu về Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025 với các nội dung liên quan đến bản sắc văn hóa của các dân tộc, công tác quốc phòng, an ninh ở vùng DTTS và miền núi.
Cùng với những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục. Cụ thể như: Một số chuyên đề chưa được cập nhật nội dung kịp thời; nhiều xã, huyện còn nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc, chính sách dân tộc, do đó ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, cử cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị tham gia theo yêu cầu…
Đồng chí Hoàng Anh Nghĩa- Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về bồi dưỡng công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Thường xuyên phối hợp với Học viện Dân tộc – Uỷ ban Dân tộc trao đổi, thống nhất các nội dung tài liệu, bài giảng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giúp cho công tác bồi dưỡng cán bộ đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở trên địa bàn tỉnh, qua đó kịp thời phát huy ưu điểm, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo. Đồng thời khắc phục các hạn chế, khuyết điểm để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc.
Phương Uyên
Nguồn: https://baophutho.vn/nang-cao-kien-thuc-cho-can-bo-lam-cong-tac-dan-toc-o-co-so-222478.htm