Xác định Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” là nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) quán triệt, triển khai đến 100% cán bộ, đảng viên, nhà giáo, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Trường Trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì luôn chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với trang bị kiến thức lý luận, định hướng nghiên cứu cho sinh viên.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh hiện có 12/13 trường trung cấp, cao đẳng tổ chức đào tạo môn Giáo dục chính trị; có bố trí bộ phận theo dõi, quản lý việc học tập lý luận chính trị thuộc các phòng/khoa như: Khoa Khoa học cơ bản, Phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên… 12/12 trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch, chương trình môn Giáo dục chính trị theo đúng quy định. Giáo dục chính trị là 1 trong 3 môn thi tốt nghiệp của các trường tổ chức đào tạo theo niên chế.
Đồng chí Hoàng Xuân Đoài – Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Việc giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các cơ sở GDNN là một nội dung được bố trí giảng dạy ngay đầu chương trình môn Giáo dục chính trị, chiếm khoảng 37% khối lượng kiến thức trong chương trình giảng dạy lý luận chính trị nhằm giúp sinh viên có tư duy khoa học, cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn đối với học tập tại trường nói chung, môn Giáo dục Chính trị nói riêng. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên, giáo viên đã gắn các nội dung về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với thực tế, giúp sinh viên định hướng tư tưởng lý luận, giải quyết đúng các vấn đề phát sinh trong học tập và cuộc sống.
Từ năm 2014 đến nay, Sở LĐ,TB&XH đã cử trên 80 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia lớp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị; bố trí cho các nhà giáo tham gia các cuộc thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi về nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp… nhằm trang bị, cập nhật kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy thêm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, qua đó hoàn thiện và chuẩn hoá đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Các cơ sở GDNN đã ứng dụng phương pháp dạy học hiện đại, đặc biệt chú trọng đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy với các phương tiện hỗ trợ như máy chiếu, máy vi tính, ti vi, đài, mạng internet, giúp học sinh, sinh viên tích cực tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu bài tốt hơn.
Giảng viên giảng dạy luôn gắn với thực tiễn xã hội, nghề nghiệp của người học; thường xuyên cập nhật thông tin, đưa các sự kiện, tình huống trong thực tế có tính thời sự hoặc tình huống giả định để người học vận dụng bài học vào giải quyết; chuyển từ “độc thoại” sang “đối thoại”, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động của người học.
Đồng chí Lương Chí Cường – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ cho biết: Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đơn vị được chú trọng với hình thức đa dạng, phong phú. Hầu hết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đều được tiếp thu, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Để công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, các cơ sở GDNN cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa nghị quyết vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị trong các cơ sở GDNN; tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác.
Ngọc Tuấn
Nguồn: https://baophutho.vn/nang-cao-cong-tac-ly-luan-dinh-huong-nghien-cuu-trong-giao-duc-nghe-nghiep-223977.htm