Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) được xem là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Những năm qua, hoạt động này luôn được huyện Yên Lập chú trọng, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
Anh Cường sau khi tham gia lớp đào tạo nghề đã áp dụng trong trồng, thu hoạch quế.
Trước đây, cuộc sống gia đình anh Phùng Văn Cường người dân tộc Dao, ở khu Sặt, xã Trung Sơn gặp nhiều khó khăn, không nghề trong tay nên ai thuê gì làm nấy, thu nhập thấp chẳng đủ chi tiêu, sinh hoạt. Với mong muốn có được một nghề nghiệp ổn định, anh Cường đăng ký học 2 lớp sơ cấp Thú y và Trồng trọt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện. Anh Cường chia sẻ: “Trước đây, tôi chủ yếu đi làm thuê kiếm sống. Chăn nuôi, trồng trọt cũng theo cách truyền thống của cha ông để lại. Nuôi lợn, trâu, bò thả rông trên rừng. Trồng cây quế cho mọc tự nhiên không chăm sóc… Sau khi được tham dự các khóa học, tôi đã về áp dụng trong sản xuất ở gia đình và giúp đỡ bà con những kiến thức đã được học”.
Cũng như anh Phùng Văn Cường, nhiều gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn nhờ được học nghề mà cuộc sống đã thay đổi theo hướng tích cực, từng bước thoát nghèo, có cuộc sống sung túc. Đây là minh chứng cho tầm quan trọng của việc học nghề. Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện đã có hàng nghìn lao động, nhất là lao động người DTTS ngày càng hiểu rõ được sự cần thiết và ý nghĩa của việc học nghề để tự nguyện học các nghề phù hợp với năng lực, điều kiện, trình độ…
Đồng chí Đinh Hải Nam- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: “Lao động là người DTTS có ưu điểm nổi trội là có sức khỏe, đức tính thật thà, khéo tay, chăm chỉ, nếu có tay nghề, được quản lý, giáo dục tốt thì lao động người DTTS đạt năng suất lao động khá cao… Tuy nhiên, do xuất phát từ dân trí không đồng đều nên nhiều lao động DTTS khả năng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật chậm, chưa chủ động học tập; thiếu ý thức rèn luyện, kỷ luật lao động chưa cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước…”
Sau khi áp dụng kiến thức đã được đào tạo trong chăm sóc đàn vật nuôi giúp anh Cường nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Nắm bắt được tình hình thực tế về thế mạnh và hạn chế của người lao động người DTTS, những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề của Đảng, Nhà nước, cùng với các cấp, ngành của tỉnh, huyện Yên Lập đã tập trung triển khai các giải pháp đào tạo nghề cho đồng bào DTTS; trong đó tăng cường tuyên truyền và định hướng giáo dục nghề nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, ý nghĩa của nghề nghiệp đối với cuộc sống, về các chủ trương, chính sách đào tạo nghề của Đảng, Nhà nước…
Ngoài ra, Trung tâm GDNN – GDTX của huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tổ chức ngày hội đào tạo nghề và việc làm để tuyên truyền, tư vấn học nghề, tuyển sinh mở các lớp đào tạo nghề theo định hướng, quy hoạch phát triển của địa phương. Công tác đào tạo nghề cho đồng bào DTTS được thực hiện theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” mang lại hiệu quả cao. Chính sách hỗ trợ học phí, tiền ăn, xăng xe đi lại, nguyên vật liệu, dụng cụ học tập cho người DTTS khi học nghề đã thực sự khuyến khích ngày càng nhiều lao động đăng ký học nghề.
Theo đó, năm 2023, toàn huyện đã mở được hàng chục lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng DTTS với hàng nghìn học viên học nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp… Ngoài đào tạo nghề cho người lao động, huyện còn liên kết với các doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo nghề và tuyển dụng lao động, tìm kiếm việc làm cho người lao động sau khi học nghề… Nhờ đó, hầu hết người lao động DTTS sau khi sau khi học nghề đều tham gia thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm cho bản thân bằng nghề được đào tạo.
Phương Uyên
Nguồn: https://baophutho.vn/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nguoi-dan-toc-thieu-so-217885.htm