Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn khẳng định công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vai trò hết sức quan trọng và to lớn. Đảng và Nhà nước luôn coi việc chăm lo cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng và đạo lý truyền thống của dân tộc.
CLB Văn hóa dân tộc Mường, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn được thành lập góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.
Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 3/12/1945 Đại hội đại biểu các DTTS miền Bắc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng Đại hội và khẳng định: “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, nhờ sự hy sinh phấn đấu của tất cả đồng bào mà chúng ta tranh được quyền tự do độc lập, và xây nên nước Dân chủ Cộng hòa. Từ đây về sau, các dân tộc đã đoàn kết càng phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng để xây dựng một nước Việt Nam mới”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, cùng với cả nước, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, đề án hỗ trợ dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần nâng cao đời sống của bà con…
Phú Thọ hiện có 50 dân tộc cùng chung sống với trên 260.000 người là DTTS, chiếm 17% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 58 xã thuộc khu vực I, II, III và 240 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi.
Trong những năm qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng DTTS và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng.
Một trong những chương trình mang lại dấu ấn tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh là Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi (Chương trình 135) và nay là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội đồng bào DTTS và miền núi, như một luồng gió mới làm thay đổi rõ rệt hạ tầng cơ sở, kinh tế, văn hoá, đời sống đồng bào dân tộc, các xã miền núi, vùng khó khăn. Hàng trăm công trình trường học, giao thông, điện, trạm y tế, chợ, thủy lợi, nước sạch đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần phục vụ thiết thực cho đời sống và sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc.
Trường PTDT bán trú THCS Trung Sơn, huyện Yên Lập đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS.
Cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bằng nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, được triển khai hiệu quả, qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS; thu hẹp khoảng cách giàu- nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn… Trong đó, Phú Thọ đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng DTTS, miền núi.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, Nhà nước đầu tư trên 1.177 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng để thực hiện đầu tư 357 công trình của 10 dự án thành phần nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân.
Các dự án thành phần sẽ tập trung vào việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, Chương trình đã hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi.
Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; đầu tư phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của xã Trung Sơn, huyện Yên Lập được đầu tư, góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS.
Với sự đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống người dân được cải thiện đáng kể; diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS đã có sự thay đổi rõ nét. Thu nhập của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Mục tiêu đến năm 2025, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; 100% đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 96% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% vùng đồng bào DTTS được phủ sóng đài phát thanh, truyền hình của trung ương và địa phương.
Ngoài ra, công tác y tế sẽ được tăng cường để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế, trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Phú Thọ tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tính chủ động cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng.
Đồng thời, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trong đồng bào DTTS; huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách Nhà nước là quyết định. Tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Hoàng Anh Nghĩa
Nguồn: https://baophutho.vn/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-chinh-sach-dan-toc-221927.htm