No menu items!


Powered by Techcity

Múa trong các nghi lễ của người S’tiêng Bù Đêh ở Bình Phước


Nghi lễ của người S’tiêng Bù Đêh

Trong tâm thức người S’tiêng Bù Đêh xưa, thầy cúng, bà bóng là những người có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh. Họ là người mang ước nguyện của mọi người đến thần linh, là người thay mặt gia chủ thực hiện các nghi thức lễ bái, dâng lễ vật cho các “yang” – thần và ông bà, tổ tiên ở thế giới thứ hai. Họ có khả năng sai âm binh, trừ ác quỷ, làm phép tăng sức cho người bệnh; có thể làm thuốc trị bệnh cho người… Trên thực tế, thầy cúng hay bà bóng trị bệnh chủ yếu bằng những lời khẩn cầu, dâng lễ vật để các thần nhận, vui lòng buông tha cho người bệnh khỏi bệnh, mang bình an, điều tốt đẹp đến với gia chủ. Người S’tiêng Bù Đêh gọi thầy cúng, bà bóng là “Mê prah” hay “Gru”. Và cũng giống như bà bóng trong “Bóng rỗi” của người Việt ở Nam Bộ, bà bóng của người S’tiêng Bù Đêh chỉ là người thay mặt gia chủ (người muốn dâng lễ) để giao tiếp với thần linh, mang những lời khấn nguyện đến các vị thần. Bà bóng không “nhập thần” – “thoát xác”, không là thân xác để thần linh nhập vào và đưa ra những lời phán bảo…

Múa trong các nghi lễ của người S’tiêng Bù Đêh ở Bình Phước

Múa bà bóng tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh – Ảnh: Điểu Lành

Thầy cúng đôi khi là già làng, hoặc ông “thầy” được mời đến những đám cúng ở các gia đình hoặc của poh hay sóc… Trong các lễ cúng cầu mưa, cúng trỉa lúa, cúng rẫy, mừng lúa mới… thầy cúng mở đầu cuộc lễ, khấn nguyện để cầu xin có mưa cho ruộng rẫy, cây lúa tốt tươi hoặc tạ ơn thần lúa, mừng vụ mùa và lúa mới về kho… Thầy cúng không múa mà đôi khi tham gia đánh trống, cồng hoặc đánh chập chõa, thổi sáo pi… trong dàn nhạc lễ hoặc tham gia đội goong – tấu nhạc cho múa. Còn bà bóng trong lễ cúng sẽ thực hiện các động tác hoặc múa khi khấn nguyện và sau khi khấn nguyện thì sẽ có những động tác nhảy múa cùng người khác.

Múa trong các lễ cúng của người S’tiêng Bù Đêh

Đồng hành với nghi lễ là âm nhạc và múa. Người S’tiêng Bù Đêh thường nói: Có cúng là có đánh cồng, là có múa! Trong lễ cúng của bà bóng, khi bà bóng vừa múa vừa khấn nguyện… nhiều phụ nữ khác sẽ cùng tham gia nhảy múa, hình thành một vòng tròn múa quanh nơi đặt lễ cúng, quay quanh bà bóng. Trước đây, ở lễ cúng khi tiếng goong vang lên, những người phụ nữ trong sóc, thôn đến dự lễ sẽ tự động tham gia vào nhóm múa. Ngày nay, số người biết múa không nhiều nên đôi khi để giữ gìn và giới thiệu múa của người S’tiêng trong những lễ hội do chính quyền địa phương tổ chức, nhiều nơi đã tập múa cho các nữ thanh niên.

Múa trong các nghi lễ của người S’tiêng Bù Đêh ở Bình Phước

Múa cồng chiêng tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản – Ảnh: Điểu Lành

Trong thực hành nghi lễ ở các địa điểm khác nhau, hình thức trình diễn múa khá đa dạng và có nhiều khác biệt: vùng Lộc Hòa, Lộc Thuận, Lộc An, Lộc Thiện… thuộc huyện Lộc Ninh, bà bóng chỉ múa trong lễ cúng cầu an, tạ ơn hoặc cầu khấn cho người bệnh, gia đình, tuyệt nhiên không múa trong lễ mừng cơm mới hay lễ cầu mưa… Tuy nhiên, ở các xã Thanh An, An Khương, thị trấn Tân Khai… huyện Hớn Quản; ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, bà bóng cũng là người thực hiện các lễ cúng mừng cơm mới, cầu mưa… và cũng cúng trừ bùa ngải, trị bệnh… nếu được các gia đình mời. Trong thực hành các lễ cúng, hình thức thể hiện, một số động tác múa không hoàn toàn giống nhau.

Đến mùa thu hoạch lúa, người S’tiêng cúng mừng lúa mới, tạ ơn thần lúa, các yang (thần và trời đất) đã cho mưa thuận gió hòa, một mùa lúa chín đầy kho. Nhà nào thu hoạch xong, lúa nhiều, họ sẽ cúng mừng lúa mới ngay trước sân nhà và mời bà con trong poh hoặc sóc đến chung vui. Đến nhà khác cúng mừng lúa mới, họ lại mời ngược lại. Cứ như vậy, trước đây, cúng mừng lúa mới ở nhà này rồi đến nhà khác, kéo dài từ cuối tháng 11 âm lịch đến trước tết Nguyên đán của người Việt. Người S’tiêng coi như đã ăn tết, họ không ăn tết Nguyên đán của người Việt.

Múa trong các nghi lễ của người S’tiêng Bù Đêh ở Bình Phước

Múa trong các nghi lễ của người S’tiêng Bù Đêh ở Bình Phước

Múa Mừng lúa mới tại nhà bà Thị Chanh, xã An Khương, huyện Hớn Quản – Ảnh: Điểu Lành

Lễ cúng mừng lúa mới và trình diễn múa của bà bóng được thực hiện quanh một cây nêu đặt trong nhà hoặc giữa sân trước nhà. Vật phẩm dâng cúng của các lễ cúng tùy nơi, tùy điều kiện kinh tế của các gia đình nhưng khá tương đồng: cây nêu, cơm lam, rượu cần, thịt heo, gà luộc. Đôi khi trong những lễ cúng lớn, cúng mừng nhà mới, mừng lúa mới… người S’tiêng Bù Đêh cúng trâu (và heo, gà) nên có nghi thức đâm trâu. Sau lễ cúng, chủ nhà mời bà con trong sóc cùng uống rượu, ăn thịt và đánh cồng chiêng, múa hát.

Trình thức của lễ cúng khá giống nhau: người trong poh, sóc (hoặc trong gia đình cùng những người hàng xóm sang giúp đỡ) dậy từ sớm để giết heo, gà chuẩn bị cho mâm cúng. Nếu có cúng trâu (đâm trâu), người ta vẫn chuẩn bị thêm heo, gà cho mâm cúng…

Trong lễ cúng mừng lúa mới (cơm mới) ở xã An Khương, huyện Hớn Quản mà chúng tôi thu thập vào tháng 1-2021 do xã tổ chức và tháng 12-2021 của gia đình tổ chức đều có diễn trình khá tương đồng. Bà bóng sẽ là người dâng lễ cúng ngay trong khi nhóm múa thực hiện động tác múa. Thời gian múa cũng không hạn định, diễn tiến kéo dài theo diễn trình lễ cúng bà bóng. Mỗi lần bà bóng làm lễ cúng kéo dài khoảng 20-30 phút và phần biểu diễn múa phục vụ lễ cũng chừng đó thời gian. Những động tác dâng lễ vật của bà bóng đều kết hợp với các động tác múa, miệng hát những câu khấn nguyện… kết hợp với nhóm múa và đội hình vòng tròn bên ngoài.

Trong lễ cúng cầu an, cầu xin cho người bệnh khỏi bệnh… ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, vật cúng đơn giản chỉ gồm con gà luộc, đĩa cơm nếp, chục ống cơm lam, trái cây, nhang, 4 ly rượu… Bắt đầu hành lễ, thầy cúng thắp nhang khấn nguyện. Sau khi cúng và khấn vái, thầy cúng lấy ly rượu rưới lên các goong, trống, chập chà để các thần goong, chập chà, trống… cùng phối hưởng. Việc này cũng được người đánh trống trong dàn nhạc thực hiện lần nữa: khấn vái, rót rượu vào ly và sau lần khấn vái thì rưới rượu lên các nhạc khí. Lễ cúng hoàn tất, những người trong nhóm múa bước ra, đứng đối diện bàn để đồ cúng, người trong dàn nhạc bắt đầu cầm goong, trống, chập chà… Và, khi âm nhạc vang lên thì người đứng đầu nhóm múa cũng bắt đầu những động tác đầu tiên, họ đi vòng tròn theo chiều ngược kim đồng hồ, lấy bàn để đồ cúng làm tâm, mặt hướng vào tâm…

Trước đây, lễ cúng có thể tổ chức từ 1-2 ngày. Trong các khảo sát gần đây, lễ cúng chỉ được tổ chức trong một buổi.

Nhạc khí phục vụ nghi lễ và múa phổ biến, tương đồng giữa các nhánh tộc S’tiêng là cồng chiêng, đôi khi có trống cái điểm câu và chập chà (một loại chập chõa nhỏ) làm rộn ràng không khí lễ. Người S’tiêng Bù Đêh còn có sáo pi, trống pi (loại trống một mặt hình thắt eo) và chập chà…

Nghệ thuật múa nguy cơ bị mai một

Trải qua thời gian dài với những biến động của lịch sử, xã hội, nghệ thuật múa trong các lễ cúng của bà bóng và những nghi thức trong lễ hội hiện nay đang có xu hướng giảm bớt hoặc không được tổ chức. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có quan niệm lễ cúng của bà bóng là mê tín dị đoan. Đã có một thời lễ cúng của bà bóng bị đánh giá chưa đúng nên không được tổ chức, công khai trong tín ngưỡng cộng đồng. Những người hành nghề bà bóng nay lớn tuổi, một số không còn khả năng múa hoặc đã qua đời nên số người làm bà bóng, biết múa không còn nhiều…

Hiện nay, tổ chức múa và lễ cúng của bà bóng chỉ mang hình thức trình diễn, phục dựng, tái hiện. Tính thiêng, sự thần khải – ngẫu hứng của bà bóng đã không còn như trước do không phải được thực hành từ lễ cúng, nên khó có thể bắt gặp những động tác, thể hiện hình thể xuất thần như trước kia. Hơn nữa, do những thay đổi của đời sống xã hội, điều kiện, môi trường trình diễn ngày trước như lễ cúng cơm mới, lễ cầu mưa, trỉa lúa… dần ít đi, đồng thời với hình thức tổ chức mang tính trình diễn, sự chọn lựa động tác cũng như xu hướng pha trộn với múa chuyên nghiệp trong các cuộc liên hoan văn nghệ tộc người, “Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số” hoặc các hội lễ do Nhà nước tổ chức… nên loại hình nghệ thuật múa trong lễ cúng của bà bóng của người S’tiêng có nguy cơ bị biến đổi, mai một. Các điệu múa có thể chứa đựng những thông điệp, câu chuyện của quá trình lịch sử tộc người mà chúng ta chưa tìm hiểu, nhận thức được hết. Điều này rất cần định hướng, quản lý của Nhà nước và sự chung tay của cộng đồng, cá nhân để bảo tồn một cách vững chắc loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Báo Bình Phước)



Nguồn: https://baophutho.vn/mua-trong-cac-nghi-le-cua-nguoi-s-tieng-bu-deh-o-binh-phuoc-215503.htm

Cùng chủ đề

Đoan Hùng đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát

Hưởng ứng phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động, huyện Đoan Hùng đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn với quyết tâm cao nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Hùng trao số tiền 60...

LHPN xã Phùng Nguyên nhận đỡ đầu em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Chiều 15/4, Hội LHPN xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao đã đến thăm, nhận đỡ đầu và trao tặng sổ tiết kiệm cho em Hoàng Đức Trường, sinh năm 2011, ở khu Dụng Hiền, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.Hội LHPN cùng đại diện lãnh đạo xã Phùng Nguyên trao tặng sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho em Hoàng Đức Trường ở khu Dụng Hiền, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.Gia đình em Hoàng Đức Trường...

Phát động cuộc thi “Ảnh đẹp Đền Hùng”

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng phát động cuộc thi “Ảnh đẹp Đền Hùng” nhằm tôn vinh hình ảnh về Di tích lịch sử, Rừng Quốc gia Đền Hùng, thiên nhiên con người, văn hóa vùng Đất Tổ, nơi phát tích của dân tộc Việt Nam (bao gồm phong cảnh, kiến trúc, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, con người, hoạt động du lịch...), đồng thời góp phần xây dựng ngân hàng dữ liệu ảnh đẹp Đền Hùng...

Âm vang bản Mường

Giữa đại ngàn Tân Sơn (Phú Thọ), nơi tiếng suối róc rách hòa trong tiếng cồng chiêng vang vọng, những điệu hát Ví, hát Rang mộc mạc của người Mường vẫn được ngân lên từ bao đời nay. Đó không chỉ là âm thanh của bản làng mà còn là linh hồn của văn hóa, là “món ăn tinh thần” thấm đẫm đời sống tín ngưỡng và tâm hồn của đồng bào nơi miền sơn cước.Ở xã Kiệt Sơn,...

Sắc màu trên đại ngàn Trường Sơn

Ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thượng ngàn, dân tộc Co cư trú lâu đời, gắn với văn hóa rất riêng qua lễ hội. Không gian văn hóa gắn liền tín ngưỡng, tập tục, mạch sống tinh thần của người Co hòa quyện trong cuộc mưu sinh chinh phục thiên nhiên. Trên hành trình ấy, nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co độc đáo, tinh túy, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian ở...

Cùng tác giả

Lễ dâng hương giỗ Đức Vua Lý Nam Đế năm 2025

Ngày 17/4 (tức 20/3 âm lịch), tại Đền thờ Đức Vua Lý Nam Đế (xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông), huyện Tam Nông tổ chức Lễ dâng hương nhân 1.477 năm ngày mất Đức Vua Lý Nam Đế.Các đại biểu dự lễ dâng hương giỗ Đức vua Lý Nam ĐếChủ tịch UBND huyện Tam Nông Quách Hải Lý đọc diễn văn tri ân tưởng nhớ Đức vua Lý Nam ĐếTrong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu...

Cán bộ, công chức, viên chức được sắp xếp thế nào?

Số lượng lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số lãnh đạo, quản lý có mặt của các tổ chức ở cấp tỉnh trước sắp xếp.Cấp tỉnh quyết định lựa chọn người đứng đầuBộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình...

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hàng ngàn năm qua đã trở thành sợi dây tâm linh kết nối giữa các thế hệ người Việt với cội nguồn dân tộc. Mỗi dịp tháng 3 âm lịch, hàng triệu con Lạc cháu Hồng lại hành hương về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, bày tỏ lòng biết ơn đối với những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ...

Vì mục tiêu phát triển bền vững

Được thành lập năm 1994, đến nay, Quỹ tín dụng Nhân dân (TDND) phường Dữu Lâu, TP Việt Trì đã dần khẳng định được vai trò quan trọng “gần dân, sát dân” trong cung cấp các dịch vụ tài chính, phục vụ trực tiếp công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.Khách hàng giao dịch tại Quỹ TDND phường Dữu Lâu, TP Việt Trì.Quỹ TDND phường Dữu Lâu là một trong 6 quỹ...

Cùng chuyên mục

Cán bộ, công chức, viên chức được sắp xếp thế nào?

Số lượng lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số lãnh đạo, quản lý có mặt của các tổ chức ở cấp tỉnh trước sắp xếp.Cấp tỉnh quyết định lựa chọn người đứng đầuBộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình...

Nhiều khu vực có nắng nóng, có nơi trên 37 độ C

Ngày và đêm 17/4, nhiều khu vực có nắng, có nơi nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt trên 37 độ C; Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối và đêm có mưa dông. (Ảnh minh họa: TTXVN)Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 17/4, nhiều khu vực có nắng, có nơi nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt trên 37...

Quyết tâm hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát

Huyện Hạ Hòa đang khẩn trương triển khai xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, mang lại những ngôi nhà an toàn và ổn định cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách.Lãnh đạo huyện Hạ Hoà kiểm tra tiến độ xoá nhà tạm, nhà dột nát ở xã Hiền Lương.Nỗ lực này thể hiện quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc “an cư, lạc nghiệp”, cải...

Đoan Hùng đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát

Hưởng ứng phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động, huyện Đoan Hùng đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn với quyết tâm cao nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Hùng trao số tiền 60...

Những quán cafe rực rỡ sắc cờ đỏ

Những ngày tháng Tư, cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Trên khắp nẻo đường, góc phố, nhiều quán café trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã trang hoàng rực rỡ sắc cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ Giải phóng để hướng tới ngày lễ trọng đại này.Không gian rực rỡ sắc cờ tại Xóm cà phêNgay khi đặt chân tới cổng quán Xóm cà phê, thành...

Chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái”: Rèn sức khỏe

“Triệu bước chân nhân ái” là chiến dịch chạy bộ, đi bộ do TW Hội CTĐ Việt Nam phát động tổ chức trên nền tảng wed/mobile/app vRace. Người tham gia có thể chạy bộ, đi bộ tự do ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào, chỉ cần ghi lại kết quả quãng đường trên các thiết bị di động (smartphone, smartwach).Việc này không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe cho bản thân mà còn tạo ra...

Nắng bao trùm nhiều khu vực, nhiệt độ tại Bắc Bộ cao nhất 33 độ C

Nắng nóng diện rộng trong những ngày tới có thể gây tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ, cháy rừng và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt.Nắng nóng bao trùm nhiều khu vực trên cả nước. (Ảnh: Vietnam+)Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 16/4, nhiều khu vực ngày nắng, có nơi nắng nóng với nền nhiệt trên 35 độ C, chiều...

LHPN xã Phùng Nguyên nhận đỡ đầu em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Chiều 15/4, Hội LHPN xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao đã đến thăm, nhận đỡ đầu và trao tặng sổ tiết kiệm cho em Hoàng Đức Trường, sinh năm 2011, ở khu Dụng Hiền, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.Hội LHPN cùng đại diện lãnh đạo xã Phùng Nguyên trao tặng sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho em Hoàng Đức Trường ở khu Dụng Hiền, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.Gia đình em Hoàng Đức Trường...

Phát động cuộc thi “Ảnh đẹp Đền Hùng”

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng phát động cuộc thi “Ảnh đẹp Đền Hùng” nhằm tôn vinh hình ảnh về Di tích lịch sử, Rừng Quốc gia Đền Hùng, thiên nhiên con người, văn hóa vùng Đất Tổ, nơi phát tích của dân tộc Việt Nam (bao gồm phong cảnh, kiến trúc, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, con người, hoạt động du lịch...), đồng thời góp phần xây dựng ngân hàng dữ liệu ảnh đẹp Đền Hùng...

Trên 14.000 hộp sữa được trao tặng cho trẻ em nghèo, khuyết tật

Hưởng ứng tháng nhân đạo năm 2025 do TW Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phát động và thực hiện chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” năm 2025, ngày 15/4, Hội CTĐ tỉnh tổ chức trao tặng sữa VP MILK cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại thành phố Việt Trì và huyện Tam Nông.Lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh trao tặng sữa cho Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt TrìThay mặt...

Tin nổi bật

Tin mới nhất