Những ngày giáp Tết Nguyên đán, về thăm xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa, trên các cánh đồng, ruộng lúa đã thấy màu xanh mát mắt của mạ non và những luống rau đang đến kỳ thu hoạch. Ngắm nhìn khung cảnh trước mắt, nếu ai chưa đến đây thì thật khó hình dung được chỉ mấy tháng trước, nơi này từng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 – Yagi.
Ngược dòng thời gian quay trở lại vào thời điểm tháng 9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Hạ Hoà có mưa rất to; mực nước ở các sông lên nhanh, gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân và kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, cơ sở giáo dục, y tế…
Mưa bão đã làm 2 người chết, một người bị thương, 69 nhà bị hư hỏng, 4.311 hộ bị ngập, sạt lở đất phải di dời khẩn cấp. Thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, các công trình hạ tầng. Trong đó, có trên 1.709ha cây trồng, trên 953ha lúa và 458ha cây rau màu bị thiệt hại. Ước tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn huyện là 379 tỷ đồng. |
Tại xã Văn Lang, sau khi sáp nhập toàn xã có 5 khu thì có hai khu 1 và 3 ở dọc bên ngoài đê sông Hồng chịu thiệt hại nặng nề do mực nước sông dâng cao. Đối với các khu ở trong đê, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mực nước bên ngoài đã mấp mé mặt đê nên không thể tiêu thoát đã dẫn đến hàng chục ha bí xanh đang đến kỳ ra quả bị ngập úng chết.
Đồng chí Trương Bá Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lang cho biết: Bão Yagi là cơn bão làm nước sông dâng cao nhất với xã Văn Lang kể từ năm 2010 cho đến nay. Diện tích các loại cây trồng bị thiệt hại trên toàn xã là trên 85ha. Ngoài ra, còn thiệt hại về cây ăn quả, thủy sản, chăn nuôi với tổng kinh phí cần hỗ trợ là trên 1,2 tỷ đồng.
Để nhanh chóng khắc phục các hậu quả do mưa bão, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hạ Hòa đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo khắc phục sản xuất sau thiên tai, hướng dẫn cơ cấu lịch thời vụ vụ Đông và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, ứng dụng công nghệ trong sản xuất để hạn chế thiệt hại trong sản xuất.
Nông dân các xã trên địa bàn huyện Hạ Hòa thực hiện gieo cấy đúng khung lịch thời vụ đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ Chiêm Xuân.
Các thành viên Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp huyện đã trực tiếp đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa và thực hiện sản xuất vụ Đông 2024. Tích cực chỉ đạo, tiêu úng kịp thời đối với diện tích bị ngập úng; triển khai phương án bảo vệ thực vật, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất.
Triển khai hướng dẫn nông dân khẩn trương tiến hành làm dầm với diện tích đất trũng và cày ải đối với diện tích không trồng cây vụ Đông. Hướng dẫn các xã tăng cường cải tạo đất để phục hồi sản xuất đối với diện tích cây chuối sau thiên tai. Chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ sản xuất vụ Chiêm Xuân 2024-2025 như: Giống, phân bón, công tác thủy lợi; tiếp tục hướng dẫn các xã, thị trấn ký hợp đồng mua phân bón NPK chậm để kịp thời phục vụ sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh ngay từ đầu vụ.
Không khí làm việc trên các cánh đồng rất khẩn trương dù là những ngày giáp Tết.
Đối với xã Văn Lang, là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão, tuy nhiên, ngay sau khi cơn bão đi qua, chính quyền địa phương đã khuyến cáo bà con trồng ngô ngọt, dưa chuột, bắp cải, cà chua… tận dụng được lượng phân còn tồn trong đất. Từ đó, nhanh chóng trồng được vụ rau mới kịp thu hoạch trước Tết.
Chị Hoàng Hồng Ngọc – khu 2, xã Văn Lang chia sẻ: Khi cơn bão số 3 đi qua, toàn bộ 7 sào bí đao của gia đình tôi bị ngập úng hỏng hết. Ngay sau khi nước rút, được sự hướng dẫn của lãnh đạo chính quyền địa phương, gia đình tôi đã nhanh chóng làm đất trồng bắp cải, cà chua. Cả hai loại này đều cho thu hoạch trước Tết và có thể thu kéo dài đến hết tháng 2 dương lịch. Tổng 2 sào cà chua và 1.000 cây bắp cải gia đình tôi thu được khoảng hơn 40 triệu đồng.
Màu xanh đã trở lại ở xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa – nơi từng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi)
Trong thời gian tới, triển khai sản xuất vụ Chiêm Xuân – vụ chủ lực có tiềm năng năng suất cao và quyết định tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2025, huyện Hạ Hòa đã thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của huyện đã có chất lượng để giúp người dân mở rộng diện tích và tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng diện tích cánh đồng mẫu quy mô lớn, gieo trồng tập trung; triển khai thực hiện các mô hình trình diễn về giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, làm cơ sở nhân rộng, giảm bớt chi phí đầu tư trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho nông dân.
Xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Chiêm Xuân gắn với kế hoạch sản xuất các vụ khác trong năm để tạo thành chuỗi luân canh hợp lý, vụ trước tạo điều kiện cho sản xuất ở vụ sau. Chuẩn bị đủ lượng giống đáp ứng nhu cầu sản xuất và dự phòng để ứng phó với thiên tai; kịp thời xử lý tình huống bất lợi do thời tiết, dịch bệnh gây ra, đảm bảo an toàn cho sản xuất. Thiết lập, quản lý mã số vùng trồng đối với các cây trồng chủ lực (bưởi, chè, chuối, rau, lúa chất lượng cao) để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Đồng chí Hà Đức Cường – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện thông tin: Trong vụ Chiêm Xuân năm 2025, huyện Hạ Hòa phấn đấu có trên 5.000ha diện tích đất trồng cây lâu năm, trong đó, lúa Chiêm Xuân tổng diện tích 3.950ha, lúa lai 1.900ha; lúa chất lượng cao 1.956ha; lúa thuần 94ha. Đối với cây ngô, lạc, rau, đậu đỗ và các cây trồng khác tích cực đưa các giống ngô lai, ngô chuyển gen, lạc, đậu tương giống mới vào gieo trồng nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
Hi vọng thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, các ngành chức năng cùng sự phối hợp, hưởng ứng của đông đảo Nhân dân, ở khắp các cánh đồng, ruộng lúa trên địa bàn huyện Hạ Hòa sẽ tràn ngập những màu xanh của cây cối, hoa màu, màu xanh của những vụ mùa bội thu.
Vĩnh Hà
Nguồn: https://baophutho.vn/mau-xanh-tro-lai-noi-con-lu-di-qua-227087.htm