Với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, đông đảo người dân trên quê hương Đất Tổ nói chung và xã Hùng Lô nói riêng lại thành kính sửa soạn mâm cơm thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng và bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước.
Từ năm 2019, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương đã vận động các gia đình tại Phú Thọ có mâm cơm tri ân, do gia đình tự chuẩn bị, đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm trong ngày 10 tháng 3 âm lịch. Từ đó đến nay, việc làm này ngày càng được mở rộng và được nhân dân hưởng ứng.
Theo truyền thống, hằng năm, trước ngày Giỗ Tổ, gia đình ông Triệu Văn Đào là một trong 5.000 người dân xã Hy Cương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) sửa soạn mâm cơm được chuẩn bị chu đáo với tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên và các Vua Hùng và cũng là dịp để cùng gia đình các con quây quần.
Từ những sản vật sẵn có của địa phương, ông Đào đã chuẩn bị mâm cơm cúng giản dị nhưng trang nghiêm, đủ đầy các món ăn truyền thống của người Việt, thể hiện lòng thành kính dâng cúng tổ tiên với ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ công ơn Vua Hùng.
Theo truyền thống, mâm cơm dâng cúng các Vua Hùng thường có bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ.
Món bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho trời, đất. Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dậy dân cấy lúa mà ra.
Trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm, có dương đầy đủ, hòa hợp.
Cũng theo ông Đào, việc chuẩn bị mâm cơm cúng các bậc tiền nhân đã có công dựng nước hết sức có ý nghĩa, vừa là tưởng nhớ công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước, vừa truyền dạy cho con cháu hiểu thêm về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hoạt động này nhằm góp phần khẳng định giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo các cụ cao tuổi ở vùng lân cận khu vực Đền Hùng, việc tổ chức mâm cơm dâng cúng Vua Hùng đã có từ lâu đời, các gia đình có dịp sum họp, đoàn viên con cháu gần xa về tưởng nhớ công lao các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời giáo dục con cháu về niềm tự hào là người dân Đất Tổ Vua Hùng – Cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Nghi lễ thờ cúng ông Tổ chung của cả nước là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc riêng có của dân tộc Việt Nam và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Trong tiến trình lịch sử, tín ngưỡng này góp phần hun đúc lòng tự hào về nguồn cội và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi. Ngày Giỗ Tổ là ngày cả dân tộc ta tri ân công đức của các Vua Hùng, những người lập nên nhà nước Văn Lang, nền móng của dân tộc và dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Khi cuộc sống con người ngày càng hiện đại, mâm cơm gia đình luôn là nơi thiêng liêng nhất, ấm áp, nơi tràn ngập yêu thương, bởi trong tiềm thức mỗi người được sinh ra đều đã có trái tim hướng về nguồn cội. Đặc biệt là trong mỗi dịp lễ tâm linh của người Việt. Trong mâm cơm dâng cúng Vua Hùng khi có đông đủ các thành viên trong gia đình là chính lúc đó họ tiếp tục được lắng nghe, chia sẻ, cùng duy trì sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giúp mỗi người tự hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của chính mình.
Việc thờ cúng tổ tiên với những lễ vật và nghi lễ cụ thể trong đó có việc chuẩn bị mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên trong ngày Quốc giỗ là nét đẹp văn hoá đặc trưng, rõ nét nhất của quá trình thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng biên soạn tài liệu tuyên truyền về ý nghĩa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương gửi về các địa phương để người dân thêm hiểu về nguồn cội dân tộc.
Vào ngày chính lễ Giỗ Tổ, gia đình bà Vũ Thị Hoa (Thôn 2, xã Hùng Lô, Việt Trì, Phú Thọ) chuẩn bị lễ vật, mâm cơm để thắp hương.
Tất cả đều thể hiện lòng thành kính dâng lên tổ tiên, với mong muốn cầu cho mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Tuỳ từng gia đình sẽ có đôi chút khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là phải có thịt gà, giò chả và bánh chưng, bánh giầy trên mâm cỗ.
Từ ngàn đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương được xem là ngày lễ trọng đại của cả dân tộc (ngày Quốc giỗ) và trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam. Đây còn là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ về tổ tiên, về các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Theo Báo điện tử Tổ Quốc