Dân tộc Cờ Lao là một trong số ít các dân tộc thiểu số sinh sống ở chân dải Tây Côn Lĩnh, thuộc địa phận xã Túng Sán (Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) còn lưu giữ được nghề thêu thổ cẩm truyền thống. Qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Cờ Lao đã tạo ra những sản phẩm với màu sắc và hoa văn phong phú, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi vạt áo, gấu quần được thêu họa tiết tỉ mỉ, chỉn chu bởi sự sáng tạo của những người phụ nữ gửi gắm biết bao tâm tình, nét đẹp trong đời sống văn hóa, được coi là “hồn cốt” góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của người Cờ Lao.
Những năm trước đây, nghề thêu thổ cẩm của đồng bào Cờ Lao được duy trì để phục vụ nhu cầu sử dụng của các hộ gia đình. Mỗi bộ trang phục được người phụ nữ Cờ Lao tỉ mỉ thêu tay nhiều chi tiết nên mỗi năm chỉ hoàn thành được từ 1-2 bộ quần, áo mới cho các thành viên trong gia đình để mặc vào những dịp lễ, tết quan trọng.
Thành viên nhóm Thêu thổ cẩm trang phục Cờ Lao hoàn thiện hoạ tiết trên bộ trang phục.
Đến thôn 4 Tả Chải, xã Túng Sán, chúng tôi tới gặp chị Giàng Thị Dúa, Trưởng nhóm Thêu thổ cẩm trang phục Cờ Lao. Chị Dúa cho biết: “Nhóm được thành lập từ năm 2020 bởi các chị em phụ nữ trong bản yêu thích nghề thêu thổ cẩm. Mặc dù toàn những hội viên trẻ tuổi nhưng các bạn luôn miệt mài học hỏi từ bà, mẹ và các chị của mình để hoàn thiện những nét hoa văn góp phần tô điểm cho bộ trang phục truyền thống đặc sắc hơn. Đến nay, ngoài việc tự may, thêu trang phục cho bản thân và gia đình, nhóm còn nhận làm cho bà con lân cận. Tuy thu nhập từ nghề thêu, may trang phục truyền thống dù ít, nhưng cả nhóm luôn ấp ủ một ngày không xa sẽ có một cửa hàng may, thêu kinh doanh trang phục truyền thống của riêng mình”.
Nói tới nghề thêu hoa văn thổ cẩm của người Cờ Lao phải kể đến đến kỹ thuật thêu hoa văn chỉ màu, hoa văn gợn sóng và kỹ thuật khâu đáp độc đáo. Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Cờ Lao gồm khăn đội đầu, áo và quần. Khăn đội đầu, cổ áo, tay áo được thêu trang trí các mảng hoa văn hình ô vuông, quả trám, các hình tam giác nhỏ hoặc đính tua len các màu, giúp tôn thêm vẻ đẹp rực rỡ. Mỗi họa tiết đều có ý nghĩa, thể hiện các sự vật, hiện tượng liên quan đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người Cờ Lao.
Đồng chí Đàm Đức Phương, Bí thư Đảng ủy xã Túng Sán thông tin: “Đối với trang phục của đồng bào dân tộc Cờ Lao từ trước đến giờ được bà con giữ gìn và bảo tồn rất tốt. Đặc biệt, trong những ngày lễ, tết của đồng bào không thể thiếu được những bộ trang phục. Với mong muốn lưu giữ nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc thông qua việc phát triển nghề thêu, may thổ cẩm và làm trang phục truyền thống, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích đồng bào trên địa bàn xã trong đó có dân tộc Cờ Lao, bên cạnh việc giữ gìn nghề thêu, may trang phục truyền thống cần quan tâm đầu tư cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất đưa trang phục ra thị trường, buôn bán thương mại gắn với quảng bá nét đẹp, tính độc đáo của trang phục truyền thống”.
Để giữ gìn, phát triển nghề thêu, may thổ cẩm làm trang phục truyền thống của dân tộc Cờ Lao, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có những chủ trương, chính sách khuyến khích phù hợp, để ngày càng có nhiều hơn những người yêu nghề và đam mê văn hoá dân tộc như chị Dúa và các thành viên trong nhóm Thêu thổ cẩm trang phục Cờ Lao. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mà còn đóng góp một gam màu sáng vào dòng chảy văn hóa hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc và đất nước, đưa ngành nghề thủ công truyền thống trở thành ngành nghề chính nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số Cờ Lao nơi rẻo cao Túng Sán.
Nguyễn Yếm/Báo Hà Giang
Nguồn: https://baophutho.vn/luu-giu-nghe-theu-tho-cam-cua-dan-toc-co-lao-223630.htm