Theo sự biến động của thời gian, cuộc sống của đồng bào Bru – Vân Kiều đã có nhiều thay đổi, từ cách ăn mặc cho đến các tập tục sinh hoạt. Tuy nhiên, ở một số bản làng của người Bru – Vân Kiều sống dọc theo dãy núi Trường Sơn vẫn còn duy trì lễ cưới, hỏi mang đậm nét văn hóa truyền thống với quan niệm đầy ý nghĩa.
Theo truyền thống của người Bru – Vân Kiều, nén bạc, nồi đồng, thanh kiếm là 3 lễ vật không thể thiếu trong lễ đón dâu. Ảnh: Thúy Hạnh.
Lễ cưới, hỏi của người Bru – Vân Kiều vừa mang tính cộng đồng, vừa nâng cao vị trí và chức năng của các dòng tộc, dòng họ. Theo người Bru – Vân Kiều, khi nam, nữ đến tuổi dựng vợ, hay gả chồng, nếu muốn có cuộc sống hạnh phúc thì họ phải thực hiện theo phong tục.
Trước lễ cưới, nhà trai phải làm lễ “bỏ của” và nhờ ông mối, bà mối có uy tín làm đại diện. Những người này phải từ 50 tuổi trở lên và hiểu rõ về phong tục, tập quán. Được sự thống nhất của hai gia đình, nhà trai sẽ đem lễ vật “bỏ của” đến, gồm: Một hộp đồng nhỏ được chạm khắc rất tinh tế có cau, trầu và thuốc lá; một hộp đồng nhỏ đựng vôi; một ống điếu làm bằng gỗ dùng để hút thuốc; một áo được dệt từ vải thổ cẩm, màu sắc theo quy định truyền thống, dùng để bọc bạc trắng hoặc tiền; bạc trắng từ 2 đến 3 nén tùy theo gia đình nhà gái ra giá. Đặc biệt, trong lễ “bỏ của”, bố, mẹ hoặc chú, bác, cậu, mợ bên nhà trai không ai có mặt, chỉ có chú rể tương lai và một người bạn trai thân thiết đến. Họ quan niệm, nếu nhiều người cùng tham dự thì sẽ không đem lại may mắn cho đôi vợ chồng trẻ sau này.
Ngày cưới, gia đình nhà trai mang lễ vật đến nhà gái. Các lễ vật dẫn cưới gồm lợn hoặc dê từ 1-3 con, 2 con gà (1 trống, 1 mái), 1 buồng chuối to đã chín, 1 ché rượu cần lớn do chính nhà trai làm. Theo truyền thống, không thể thiếu 3 lễ vật phải có để trao lúc đón dâu về nhà trai. Đó là thanh kiếm (có chiều dài khoảng 60cm), chiếc nồi đồng và miếng bạc nén. Họ quan niệm thanh kiếm tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm, kiên cường của chàng trai Bru – Vân Kiều. Họ cũng cho rằng, mũi kiếm và chuôi kiếm là 2 thực thể trong một thân thể, tượng trưng cho người chồng và người vợ, cưới nhau rồi thì sẽ gắn bó trăm năm với một tương lai yên bình. Thanh kiếm cũng là một công cụ lao động của người Bru – Vân Kiều. Nồi đồng còn gọi là “nồi ba” mang ý nghĩa làm ra của cải. Trong nồi còn có 1 nén bạc và 5 hạt cườm, tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc.
Sính lễ quan trọng được đặt trên bàn thờ tổ tiên và không thể thiếu trong đám cưới là bánh Beng. Họ quan niệm bánh Beng đem lại may mắn và tượng trưng cho sự vĩnh hằng của tình yêu. Đó còn là lễ vật nhớ ơn đến tổ tiên và thần linh đã ban tặng cho họ “cái ăn, cái mặc”. Nguyên liệu làm bánh Beng được chọn từ những hạt gạo nếp to trồng trên rẫy và mất nhiều thời gian mới có thể làm ra được chiếc bánh thơm ngon đúng hương vị truyền thống. Những hạt gạo nếp to dẻo và thơm có màu sắc đen hoặc đỏ, gọi là “nếp than”, đem ngâm với nước lạnh từ 2 đến 3 giờ. Khi hạt gạo nếp đã mềm, họ đem gói với lá dong theo hình tròn (có hình dạng như bánh “đòn” của người miền xuôi, không có nhân mà chỉ là nếp), chiều dài của chiếc bánh này khoảng 30cm được bó chặt với dây rừng, đem ra nấu khoảng 2 giờ là hoàn thành xong bánh Beng.
Lễ cưới diễn ra trong 2 ngày, 1 ngày ở nhà cô dâu và 1 ngày tại nhà chú rể. Lễ vật heo, gà của nhà trai được ông mối mang đến đặt trước mái hiên nhà gái. Nếu gia đình nhà gái đồng ý, chấp nhận thì nhà trai mới được phép đem vào nhà và cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ suốt đêm để chờ hôm sau làm lễ rước dâu. Nhà gái sau khi nhận lễ sẽ mời nhà trai lên nhà để làm lễ nhận con rể. Theo phong tục, lúc hai gia đình ngồi trên sàn nhà làm lễ, cán thanh kiếm sẽ phải đặt hướng về phía nhà gái, lưỡi thanh kiếm hướng về phía nhà trai.
Nghi thức quan trọng nhất trong ngày cưới của người Bru – Vân Kiều là lễ buộc chỉ cổ tay cho cô dâu, chú rể. Ngồi ở vị trí quan trọng nhất, trước mặt đôi vợ chồng trẻ là người mai mối và trưởng tộc của hai gia đình. Thời khắc sợi dây nối kết lời thề, nguyện trọn đời hạnh phúc của cô dâu, chú rể được buộc xong, thì tiệc cưới chính thức bắt đầu. Hôm đó, người dân trong thôn bản cũng đến tham gia chia vui cùng gia đình với những vật phẩm như gà, vịt, rượu, gạo nếp… Cô dâu, chú rể cùng nhau đi chia vui cùng với gia đình hai bên bằng cách bắt tay từng người. Đó cũng là lúc cô dâu chuẩn bị về nhà chồng, với tiếng trống tiễn con gái đi lấy chồng của nhà gái.
Điều thú vị và độc đáo trong đám cưới của người Bru – Vân Kiều là chỉ có nhà gái mới được đánh trống. Bởi họ quan niệm, tiếng trống như lời nhắn nhủ, mong muốn con gái mình đi lấy chồng được may mắn và sớm sinh con đầu lòng. Khi về nhà chú rể, cô dâu không được vào cửa chính, mà phải đi theo lối cửa phụ tới gian bếp. Tại đó, mẹ chồng đón con dâu vào, như là một hình thức chuyển giao công việc bếp núc, nội trợ cho con dâu mới và làm một cái lễ quan trọng gọi là tục rửa chân cho con. Bắt đầu từ lúc đó, mẹ chồng sẽ xem con dâu mới như con gái trong nhà, không phân biệt. 1 tháng sau khi cưới, nhà trai quay lại nhà gái để chuộc thanh kiếm và “nồi ba”, tùy theo nhà gái ra giá thường là 100.000 đồng (hiện nay).
Ngoài lễ cưới chính thức, họ còn có một lần cưới thứ hai trong đời với nhau, đó là lễ bắt buộc. Lễ koil, người Kinh gọi là “khơi”, là lễ cưới lần hai mới công nhận con dâu là thành viên của nhà chồng. Đám cưới lần hai cũng rất tốn kém, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình nên cũng không giới hạn về thời gian và nghi thức tổ chức. Vậy nên, nhiều người đến già mới thực hiện được lễ này. Nhưng người Bru – Vân Kiều quan niệm, làm được lễ này thì cuộc sống vợ chồng mới được hạnh phúc viên mãn.
Ngày nay, nhiều đám cưới truyền thống của người Bru – Vân Kiều đã bị mai một dần theo thời gian. Họ thực hiện đơn giản hơn để dễ hòa nhập với cuộc sống mới. Muốn lưu truyền và bảo tồn nét văn hóa độc đáo này, bên cạnh sự cố gắng của người dân, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng.
Thúy Hạnh/Báo Biên Phòng
Nguồn: https://baophutho.vn/le-cuoi-hoi-truyen-thong-cua-nguoi-bru-van-kieu-222845.htm