Tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển bền vững
Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (NH-DN) mà ngành NH triển khai thời gian qua thực sự là giải pháp hữu hiệu, giải quyết được bài toán khó khăn về vốn cho DN. Từ khi có chương trình, mối quan hệ tín dụng – khách hàng đã có sự thay đổi tích cực, tương hỗ hiệu quả hơn. Thay vì câu chuyện trước đây DN đi “cầu cạnh” NH, thì nay NH đã tự tìm đến DN, cùng DN tháo gỡ “nút thắt” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì đầu tư công nghệ, tạo ra sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Cùng gỡ “nút thắt”
Tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, nhất là những năm gần đây ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế nước ta nói chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, DN thuộc mọi ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh nói riêng. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành NH đã triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng cho nền kinh tế, nói cách khác là cho chính DN, trong đó tập trung giải pháp tổ chức các chương trình kết nối NH-DN. Từ đây, mọi khó khăn, vướng mắc giữa hai bên có cơ hội được giải quyết triệt để, mở ra hướng đi tích cực cho DN cũng như ngành NH.
Tại các hội nghị kết nối NH-DN cho thấy, việc tổ chức đối thoại song phương giữa NH và DN thực sự hiệu quả, giúp hai bên hiểu rõ về nhau hơn, các kiến nghị, đề xuất của DN đã được đại diện lãnh đạo NH giải đáp, cùng bàn bạc, trao đổi để tìm ra tiếng nói chung, có giải pháp hỗ trợ, giúp DN tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, thiết thực, phù hợp với nhu cầu của DN cũng như giải quyết tốt những điều kiện để vay vốn.
Công ty TNHH Chè Hoài Trung (huyện Thanh Ba) là DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến chè xuất khẩu. Hiện Công ty sản xuất khoảng 1.000 tấn chè thành phẩm/năm. Cùng với sản phẩm chè đen, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất chè xanh và có sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia đầu tiên của tỉnh.
Bà Bùi Thị Mão – Giám đốc Công ty cho biết: “Những tác động của dịch bệnh hay xung đột chính trị trên thế giới đều ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Để vượt qua khó khăn, DN buộc phải tái cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường. Công ty được Agribank huyện Thanh Ba đồng hành và tư vấn cho những gói vay phù hợp với nhu cầu, được hỗ trợ lãi suất, giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí, tạo ra cơ hội mới để thêm nguồn lực đầu tư mở rộng”.
Đồng hành cùng DN vượt qua những giai đoạn khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, hệ thống Ngân hàng BIDV trên địa bàn tỉnh hiện có 2 chi nhánh, 15 phòng giao dịch. Đến nay, dư nợ tín dụng đạt trên 17.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng khách hàng DN hơn 7.850 tỷ đồng, số lượng khách hàng DN đang có quan hệ tín dụng tại BIDV là 547 khách hàng.
Bà Đinh Thị Mai Hương – Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Thọ chia sẻ: Đơn vị xác định hỗ trợ khách hàng gặp khó vừa là đạo lý kinh doanh, đồng hành, chia sẻ với khách hàng, vừa là cách để thu hút, giữ chân, xây dựng hệ thống khách hàng truyền thống. Hơn nữa, DN làm ăn có hiệu quả thì NH mới phát triển. Bằng các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm các loại phí, giảm lãi suất, điều chỉnh lại hạn mức cho vay; rà soát, đánh giá lại tài sản bảo đảm tiền vay… đã tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn. Vì vậy, đã có nhiều khách hàng DN tìm đến BIDV, tạo sự gắn kết tương hỗ, ngày càng khẳng định mối quan hệ tín dụng bền vững.
Thông qua chương trình kết nối, mỗi năm có hàng trăm DN trên địa bàn tỉnh được tiếp cận vốn tín dụng. Năm 2023, các NH đã tổ chức đối thoại với DN và thực hiện cam kết cho vay là 5.742 tỷ đồng, đã cơ cấu lại nợ cho 18 khách hàng với dư nợ 51 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay, thông qua đối thoại, các NH đã cam kết cho DN vay 5.717 tỷ đồng; tổng doanh số cho vay mới lũy kế từ đầu năm đạt 6.634 tỷ đồng, 387 DN còn dư nợ với số tiền 5.798 tỷ đồng, có 76 khách hàng được cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 755 tỷ đồng.
Thông qua chương trình kết nối đã có hàng trăm DN trên địa bàn tỉnh được tiếp cận vốn tín dụng mỗi năm.
Một giải pháp, đa nhiệm vụ
Chương trình kết nối của ngành NH không chỉ đảm bảo nguồn vốn kịp thời cho các DN, các NH, tổ chức tín dụng còn tập trung cấp tín dụng kịp thời tới những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, nhất là các lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, DN nhỏ và vừa, khởi sự DN… mà còn góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát tốt nợ xấu…
Bên cạnh mang lại lợi ích cho cả hai phía NH và DN, chương trình kết nối còn đem lại hiệu quả lớn hơn trong tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm của ngành NH cùng các giải pháp tiền tệ tín dụng và hoạt động NH trên địa bàn. Theo đó, thông qua chương trình kết nối, người dân, DN biết các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, của ngành NH để được thụ hưởng, NH tiếp nhận được thông tin phản ánh, phản hồi từ phía DN, người dân… góp phần đưa cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống.
Bà Lê Thị Hồng Nhung – Giám đốc Agribank Chi nhánh Phú Thọ – một đơn vị luôn tiên phong trong thực hiện kết nối với DN cho biết: Việc tổ chức chương trình kết nối NH-DN không chỉ đảm bảo cho DN, người dân tiếp cận thuận lợi chính sách mà còn đảm bảo được trách nhiệm thực thi chính sách từ các NH. Ngược lại, trong mối quan hệ này, chính sách được thực thi sẽ góp phần bảo đảm phát huy hiệu quả và đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ về giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Kết quả này là bài học kinh nghiệm quý báu trong tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ, của ngành NH, đồng thời cũng là giải pháp hỗ trợ trong tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, củng cố niềm tin chính sách từ người dân và DN. Thực tế với hàng chục hội nghị kết nối NH-DN được tổ chức hàng năm, với hàng trăm DN, HTX và hộ cá thể tham dự trực tiếp, trong đó có các tuyên truyền viên, đầu mối phối hợp là sở, ban ngành, huyện, thị và đặc biệt là các hiệp hội DN, ngành nghề tham gia đối thoại đã tạo hiệu ứng thông tin, truyền thông chính sách rất thiết thực, hiệu quả, được cộng đồng DN đánh giá cao.
Thông qua tổ chức thực hiện tốt chương trình kết nối NH-DN không chỉ giúp ngành NH hoàn thành tốt nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội bằng việc kết nối để tổ chức thực hiện chính sách, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho DN.
Ông Phạm Gia Lý – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, chương trình kết nối đã tạo thêm kênh “tiếp vốn” quan trọng, tháo gỡ kịp thời những vấn đề về vốn, giúp các DN được tiếp cận vốn vay ưu đãi của NH với lãi suất hợp lý, đồng thời thể hiện sự tín nhiệm của NH đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Về phía các DN ngày càng nhận thấy rõ sự cần thiết của tính minh bạch về tài chính, tăng cường năng lực, trình độ quản trị DN cũng như xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo tính khả thi. Chương trình kết nối thực sự tạo sự gắn kết giữa hai bên, tiếp thêm động lực cho DN ổn định sản xuất và phát triển. Chương trình kết nối cũng mở ra cơ hội để các DN có dịp trao đổi kinh nghiệm, kết nối, sử dụng sản phẩm của nhau, từ đó giúp cho hàng nghìn DN của tỉnh phát triển ổn định trong những năm qua.
Chương trình kết nối NH-DN đã hoàn thành tốt đa nhiệm vụ, trở thành giải pháp và hành động cụ thể, thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tiếp cận chính sách, là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước nói chung, kinh tế địa phương nói riêng với những cách làm hay, sáng tạo.
Kỳ II: Tăng “sức khỏe” cộng sinh
Phương Thảo – Nguyễn Huế
Nguồn: https://baophutho.vn/ky-i-hieu-qua-chuong-trinh-ket-noi-ngan-hang-doanh-nghiep-219904.htm