Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành phong trào phát triển sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Chương trình đã giúp các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất… chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế và đầu tư cải tiến, nâng cấp các sản phẩm đặc trưng, truyền thống làng nghề trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao; đặc biệt, các nông sản địa phương được “khoác” lên mình “chiếc áo mới”, mở ra cơ hội chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Sản phẩm chè búp tím của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT, huyện Thanh Ba được công nhật đạt chuẩn OCOP đã góp phần mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế.
Quê hương Trung du Phú Thọ nổi tiếng với những đồi chè thoai thoải, hương chè thơm đặc trưng, trở thành nguồn cảm hứng vô tận, xuất hiện trong những áng văn, câu thơ, ca từ được nhiều người biết đến. Có lẽ, đó là minh chứng rõ nét cho sản phẩm đặc trưng, có từ lâu đời của vùng Đẩt Tổ. Chắt lọc tinh tuý từ đất trời, các sản phẩm chè Phú Thọ có chất lượng tốt nhưng trước kia, giống như nhiều sản phẩm địa phương khác, đầu ra của sản phẩm vẫn còn bấp bênh, giá trị kinh tế của một số vùng sản xuẩt, chế biến chưa cao. Quyết tâm đưa sản phẩm chè đặc trưng địa phương ra thị trường, tạo dựng thương hiệu để nâng tầm giá trị, nhiều hợp tác xã (HTX), làng nghề, doanh nghiệp, hộ sản xuất đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, cải tiến mẫu mã, cho ra đời nhiều mặt hàng độc đáo từ chè.
Tại huyện Thanh Ba, vùng đất của những đồi chè bát ngát và đặc biệt là giống chè tím nức danh, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự năng động, sáng tạo của các chủ thể, cơ sở sản xuất, chế biến, nhiều sản phẩm chè thơm ngon nức tiếng đã ra đời, được thị trường đón nhận tích cực.
Nổi bật, các sản phẩm chè: Búp tím túi lọc, chè búp tím 75g, chè búp tím cao cấp, chè xanh đặc sản của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT, khu 1, xã Vân Lĩnh đã xây dựng, phát triển, khẳng định thương hiệu, nhiều mặt hàng chè còn vươn xa đến một số nước Nam Á và châu Âu. Giám đốc Công ty Lê Thị Hồng Phương cho biết: “Để có những sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn, chất lượng, chúng tôi đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng, có truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt, sản phẩm chè búp tím được sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng phương pháp sao sấy chè theo bí quyết riêng nên giữ được các hoạt chất quý chỉ có trong chè búp tím và tạo nên hương vị đặc biệt, độc đáo”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.000ha chè, trong đó hơn 3.000ha chè được sản xuất theo quy trình an toàn, vệ sinh thực phẩm; năng suất chè đạt 118 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm, đồng thời đã hình thành chuỗi sản xuất liên kết giá trị thông qua hỗ trợ các cơ sở chế biến, kinh doanh chè xanh, các HTX, làng nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè, thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký mã số, mã vạch, kết nối thị trường tiêu thụ tại siêu thị, hội chợ, các địa phương và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh…
Công ty CP sản xuất và thương mại Trường Foods (xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn) với nhiều sản phẩm thịt chua đảm bảo chất lượng đã góp phần “khoác áo mới” cho sản phẩm nông sản địa phương, tạo việc làm cho người lao động.
Một sản phẩm khác rất đặc trưng khác của Phú Thọ là thịt chua. Trước đây, các hộ dân cơ bản sản xuất thịt chua với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của gia đình và phần nhỏ cung cấp cho thị trường trong huyện, trong tỉnh. Thực hiện Chương trình OCOP là điều kiện thuận lợi cũng là cơ sở pháp lý để các chủ thể nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường, từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm.
Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại Trường Foods (xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn) Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết: Trường Foods vinh dự có 6 sản phẩm thịt chua các loại đạt OCOP 4 sao. Để đạt tiêu chuẩn này, chúng tôi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất. Từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm của chúng tôi được mở rộng thị trường tiêu thụ ra toàn khu vực miền Bắc. Năm 2024, doanh thu ước đạt 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân 6- 8 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, các sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh như: Bưởi Đoan Hùng, mỳ gạo, tương… thông qua chương trình OCOP cũng đã được “khoác tấm áo mới” để nâng tầm giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, Phú Thọ có 237 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận đã đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại và có cơ hội vươn ra thị trường lớn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, thực hiện có kết quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm bưởi quả của huyện Đoan Hùng đảm bảo năng suất, chất lượng, mẫu mã, giúp gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đồng chí Trần Tú Anh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh luôn quan tâm, có chính sách hỗ trợ các chủ thể để phát triển sản phẩm. Năm 2024, tỉnh thực hiện phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 80 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên với giá trị huy động gần 12 tỷ đồng, đồng thời dự kiến phát triển 67 sản phẩm mới hạng 3 sao, 4 sản phẩm mới hạng 4 sao, 7 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao… Kết quả, hết năm 2024, toàn tỉnh có thêm 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 1 sản phẩm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo đủ điều kiện công nhận OCOP 5 sao.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội nghị hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó, kết nối các chủ thể có sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị; phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trong cả nước. Trong quá trình xây dựng, phát triển, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hỗ trợ cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp mắt. Ngành Nông nghiệp, các địa phương cũng đã triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết 22/NQ-HĐND, ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh để hỗ trợ nguồn vốn cho các chủ thể OCOP có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại trong quá trình chế biến sản phẩm.
Bằng sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, chung sức của doanh nghiệp, chủ thể sản xuất và địa phương, tin tưởng rằng, sản phẩm OCOP Phú Thọ sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai, góp phần tạo nên những mùa Xuân no ấm.
Lệ Oanh
Nguồn: https://baophutho.vn/khoac-ao-moi-cho-nong-san-dat-to-225399.htm