Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 2008 với mục tiêu hỗ trợ kịp thời, thiết thực và bền vững cho những đối tượng khó khăn như gia đình nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi và những người có hoàn cảnh đặc biệt. Cuộc vận động này không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt mà còn tạo điều kiện cho các đối tượng được hỗ trợ vươn lên, tự lập và ổn định cuộc sống lâu dài.
Hội CTĐ tỉnh đã trao bê cái từ dự án Ngân hàng bò cho gia đình anh Hà Văn Chí (khu Vèo, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn) nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tại tỉnh Phú Thọ, Hội Chữ thập đỏ đã thành công trong việc kết nối cộng đồng và huy động nguồn lực để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Sau hơn 15 năm triển khai, cuộc vận động đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngay từ năm 2008, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ đã tiến hành khảo sát và lập hồ sơ cho hơn 5000 địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp. Mỗi xã trong tỉnh đã có trung bình 20 địa chỉ nhân đạo cần sự hỗ trợ. Hội đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông như Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ, cũng như tổ chức các buổi gặp gỡ với các cơ quan, doanh nhân, doanh nghiệp và nhà hảo tâm để vận động tài trợ.
Giai đoạn từ 2008 đến 2017, kết quả đã đạt được là 5.689 lượt địa chỉ nhân đạo được trợ giúp, chiếm 88,3% tổng số địa chỉ đã lập hồ sơ. Tổng giá trị trợ giúp đạt 19,47 tỷ đồng, trong đó có 13,24 tỷ đồng trợ giúp bằng tiền mặt, 3,98 tỷ đồng trợ giúp bằng hiện vật (lương thực, chăn màn, quần áo, xe lăn, thẻ bảo hiểm y tế, giống gia súc, gia cầm) và 2,24 tỷ đồng từ ngày công quy ra tiền. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng gặp phải một số khó khăn. Việc theo dõi, quản lý các địa chỉ nhân đạo chưa chặt chẽ và việc vận động tài trợ chủ yếu vẫn phụ thuộc vào sự điều phối từ Tỉnh hội, trong khi các tổ chức Hội cơ sở chưa chủ động trong kết nối với các nhà tài trợ. Điều này dẫn đến việc hỗ trợ chưa đều đặn và hiệu quả chưa cao.
Hội CTĐ tỉnh và huyện Hạ Hoà trao nhà nhân đạo do Công ty CP Ao Vua tài trợ cho cho gia đình ông Lê Kim Sinh trú tại khu 2, xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa là hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nhằm nâng cao hiệu quả cuộc vận động, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thực hiện một số cải tiến quan trọng từ năm 2018. Cụ thể, cuộc vận động được triển khai điểm ở xã Bình Bộ (nay là xã Bình Phú, huyện Phù Ninh), sau đó rút kinh nghiệm và triển khai trên diện rộng. Các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và tổ chức cộng đồng để khảo sát, đánh giá và lập kế hoạch trợ giúp cụ thể cho từng địa chỉ nhân đạo.
Một trong những điểm mới quan trọng của giai đoạn này là việc nâng cao trách nhiệm của các cấp cơ sở. Hội Chữ thập đỏ cấp xã chủ động gặp gỡ và vận động các tổ chức, cá nhân trong xã, từ các trường học, cơ quan, các câu lạc bộ thiện nguyện, để nhận đỡ đầu, hỗ trợ tài chính và lương thực cho các địa chỉ nhân đạo trong xã. Điều này không chỉ giúp hình thành nguồn trợ giúp ổn định mà còn tạo nên phong trào rộng khắp, tăng cường tinh thần sẻ chia và đoàn kết trong cộng đồng.
Một yếu tố quan trọng giúp cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ là việc kết hợp giữa công tác tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ xây dựng chuyên mục “Truyền hình Nhân đạo” hàng tháng, phát sóng chương trình “PTV-Kết nối yêu thương” hàng tuần, và sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Fanpage, nhóm zalo để vận động tài trợ.
Đặc biệt, từ năm 2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã sớm chủ động đưa thông tin lên hệ thống địa chỉ nhân đạo điện tử (iNHANDAO). Toàn tỉnh đã lập và cập nhật hồ sơ của 2.199 địa chỉ nhân đạo lên hệ thống này, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế truy cập, xác minh và hỗ trợ trực tiếp.
Sau hơn 15 năm thực hiện, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã đạt được những kết quả vượt trội. Nhiều địa chỉ nhân đạo đã không chỉ nhận được sự hỗ trợ kịp thời mà còn được phát triển bền vững, một số gia đình đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, điều trị dứt điểm bệnh tật, tặng cây giống, con giống, tạo việc làm và thu nhập, giúp họ vượt qua khó khăn và có cuộc sống ngang bằng với cộng đồng ở cơ sở.
Các địa phương như thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, Cẩm Khê, Tam Nông, Yên Lập, Tân Sơn, và nhiều xã, phường khác đã tích cực tham gia và đạt hiệu quả cao trong việc trợ giúp các địa chỉ nhân đạo. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức và câu lạc bộ thiện nguyện trong và ngoài tỉnh cũng đã đồng hành cùng cuộc vận động, tài trợ và giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn. Các đối tác gắn bó lâu dài như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Viễn thông Phú Thọ, Công ty Cổ phần Tân Phong, Công ty TNHH công nghệ Cosmos I, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, cùng các CLB Tình nguyện viên Chữ thập đỏ, các CLB thiện nguyện trong và ngoài tỉnh.
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã từng bước chuyển hướng từ việc vận động đơn lẻ, điểm đến vận động diện rộng và cộng đồng trách nhiệm. Vai trò của Hội Chữ thập đỏ ngày càng được khẳng định như là cầu nối quan trọng trong các hoạt động nhân đạo. Các cấp Hội đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác, từ khâu khảo sát, lựa chọn địa chỉ nhân đạo, cho đến việc vận động tài trợ và tổ chức trợ giúp.
Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục làm tốt công tác dự báo nhu cầu, tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí và tổ chức xã hội để giới thiệu các địa chỉ nhân đạo, huy động nguồn lực từ cộng đồng. Đồng thời, Hội sẽ tập trung vào các hoạt động trợ giúp trực tiếp, kịp thời và thiết thực, đặc biệt đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi, người cao tuổi đơn thân và những người mắc bệnh hiểm nghèo. Phấn đấu mỗi năm các cấp Hội sẽ duy trì quản lý và trợ giúp ít nhất 450 địa chỉ nhân đạo, đồng thời hỗ trợ thêm ít nhất một địa chỉ mới tại mỗi cơ sở Hội.
Cuộc vận động này không chỉ là những hành động từ thiện đơn thuần mà còn là sự thể hiện sâu sắc tình yêu thương, đoàn kết, và trách nhiệm của cộng đồng đối với những người yếu thế. “Thương người như thể thương thân” – đó là thông điệp xuyên suốt của cuộc vận động, khẳng định giá trị nhân ái, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Văn Bùi- Hội Chữ thập đỏ tỉnh
Nguồn: https://baophutho.vn/hieu-qua-tu-c-uoc-van-dong-moi-to-chuc-moi-ca-nhan-gan-voi-mot-dia-chi-nhan-dao-223178.htm