Nằm cách trung tâm huyện 30km, dù diện tích rộng, chiếm tới một phần tư diện tích toàn huyện Yên Lập nhưng xã vùng cao Trung Sơn gần như không có mặt bằng tự nhiên, chủ yếu là núi cao, vực sâu và 97% dân số là đồng bào Mường, Dao, Tày. Đây là những trở ngại trong phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, khai thác tiềm năng, thế mạnh có nguồn nước trong lành, mát lạnh, kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để nuôi cá tầm, bước đầu cho hiệu quả kinh tế tích cực.
Cơ sở liên kết nuôi cá tầm trên địa bàn xã Trung Sơn có quy mô nuôi 5 vạn con, cung cấp ra thị trường cả cá tầm giống và thương phẩm.
Năm 2022, anh Hà Công Đức (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê) sau nhiều lần nghiên cứu, mày mò học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ở các cơ sở nuôi trong, ngoài tỉnh; nhận thấy điều kiện tự nhiên và nhiệt độ nguồn nước ở Trung Sơn phù hợp để cá tầm sinh trưởng, phát triển đã quyết định liên kết cùng một số hộ dân khu Nhồi bắt tay vào nuôi cá tầm tại địa bàn theo hình thức nuôi trong bể xây lót bạt. Sau một thời gian nuôi, chăm sóc, cá phát triển khỏe mạnh, trọng lượng đạt khoảng 3-4kg/con, lứa cá đầu tiên được các hộ xuất bán ra thị trường khá thuận lợi.
Anh Hà Công Đức chia sẻ: “Nuôi cá tầm yêu cầu môi trường nước sạch, mát, dưới 250C, chúng tôi đã lựa chọn những địa điểm đầu nguồn để lấy dẫn nước vào bể nuôi. Với địa hình vùng núi cao, nhiệt độ môi trường thấp hơn, không khí mát mẻ là điều kiện thuận lợi cho cá sinh trưởng ổn định. Để cá phát triển mạnh ngay từ giai đoạn đầu, cá con sẽ được nuôi tại các bể nhựa để luyện, sau khi đạt kích thước an toàn sẽ chuyển ra các bể xây xi măng diện tích lớn để nuôi thương phẩm. Ao nuôi được bố trí theo kiểu phân cấp từ trên cao xuống, thông qua hệ thống ống dẫn nước nguồn từ trên khe núi về để nước có thể lưu thông liên tục, đảm bảo lượng oxi hòa tan cần thiết cho cá. Sau hơn 2 năm xây dựng, đi vào hoạt động, trang trại cá đã xuất ra thị trường nhiều đợt cá giống và 2 đợt cá thương phẩm với sản lượng khoảng gần 7 tấn cá. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cải tiến kỹ thuật nuôi, tăng cường liên kết, bảo vệ, chia sẻ nguồn nước, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng công tác xúc tiến thương mại tạo đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nuôi”.
Việc nuôi thành công cá tầm của các hộ dân trên địa bàn xã Trung Sơn đã mở ra hướng sản xuất hàng hóa mới dựa trên tiềm năng, lợi thế của huyện miền núi, có môi trường khí hậu và nguồn nước lạnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, cung cấp nguồn thực phẩm giá trị cao phục vụ nhu cầu của xã hội. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc hình thành, mở rộng vùng nuôi cá tầm tập trung của Yên Lập ở địa bàn các xã: Xuân Viên, Mỹ Lung, Mỹ Lương, Trung Sơn… và nhân rộng thêm một số xã trong huyện. Quan trọng hơn, hiệu quả kinh tế của mô hình này đã góp phần chuyển đổi cơ cấu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong khu, xã.
Đồng chí Đinh Thị Linh – Trưởng khu Nhồi cho biết: Thành công của mô hình nuôi cá tầm đã tạo việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng. Nhân dân trong khu rất phấn khởi, ủng hộ việc chuyển đổi sản xuất. Mô hình nuôi cá tầm thành công sẽ mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân khu Nhồi nói riêng, xã Trung Sơn nói chung.
Để thuận tiện hơn trong các khâu quản lý, chăm sóc và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, các hộ liên kết nuôi cá tầm ở Trung Sơn mong muốn được tạo thuận lợi, hướng dẫn các thủ tục thành lập Tổ hợp tác để hỗ trợ cùng nhau sản xuất, tiêu thụ, từng bước mở rộng quy mô, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, các ngành chức năng phối hợp khảo sát, xác định diện tích mặt nước, nguồn nước cung cấp ổn định và có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở đầu tư phát triển nuôi cá tầm…
Nguyễn Hằng
Nguồn: https://baophutho.vn/hieu-qua-mo-hinh-nuoi-ca-tam-o-trung-son-223459.htm