Nằm nép mình bên bờ sông Thao, làng nghề bánh bún Hà Thạch, thị xã Phú Thọ hình thành từ lâu đời theo hình thức “cha truyền con nối”. Trải qua hàng trăm năm, đến nay, nghề truyền thống này vẫn là nghề chính, mang lại thu nhập ổn định cho người dân với hơn 100 hộ tham gia sản xuất.
Dẫn chúng tôi thăm quan ngôi nhà thơm mùi sơn mới vừa được hoàn thành cách đây hơn 2 tháng, ông Trần Hữu Hòa, khu Hùng Thao chia sẻ: “Từ ngày nhỏ tôi đã phụ giúp bố mẹ làm bánh nên kinh nghiệm cũng theo thời gian mà có. Đến khi lập gia đình, hai vợ chồng quyết tâm gắn bó giữ nghề dù thời điểm đó đồ nghề sản xuất còn rất thô sơ không đầy đủ hiện đại như bây giờ. Nghề làm bánh không khó nhưng cần sự chăm chỉ, tỉ mỉ và phải thức khuya dậy sớm. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, đến nay vợ chồng tôi cũng có căn nhà mới khang trang”.
Gia đình bà Trần Thị Loan chuẩn bị lá dong để gói bánh chưng.
Ở Hà Thạch, các gia đình trong làng nghề sản xuất quanh năm với các loại bánh như: Bánh chưng, bánh cuốn, bánh tai, bánh rán, bánh gai, bún, mỳ gạo… cung cấp chủ yếu cho địa bàn thị xã Phú Thọ và một số huyện lân cận gồm Thanh Ba, Phù Ninh, Lâm Thao. Thời gian qua, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nhiều gia đình đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và đa dạng các sản phẩm bán ra thị trường vừa đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu riêng.
Các gia đình trong làng nghề đều đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại.
Các hộ dân trong làng nghề thường bảo nếu đến làng nghề vào buổi sáng thì không gặp ai, còn chiều đến thì không ai vắng mặt. Công việc buổi sáng bắt đầu từ 2 giờ đến 5 giờ, sau đó người dân mang bún, bánh đi bán và đi giao, buổi chiều bắt đầu từ 15 giờ đến 22 giờ. Dù thời tiết lạnh hay mưa, trên các ngõ vào làng vẫn sáng đèn và nhộn nhịp xe cộ, rôm rả tiếng nói của người đi giao hàng, người đến mua, hòa cùng tiếng máy ù ù là những đôi tay nhanh nhẹn cho ra những mẻ bánh, bún nóng hổi.
Đã 35 năm miệt mài, gắn bó với nghề làm bánh chưng, mỗi ngày, gia đình bà Trần Thị Loan bán ra khoảng 300 chiếc bánh. Mặc dù nghề làm quanh năm nhưng cao điểm là từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, số lượng đơn bánh tăng gấp 2-3 lần nên các thành viên trong gia đình phải tăng thời lượng làm việc để kịp bánh giao cho khách. Công việc cuối năm tuy vất vả nhưng đổi lại ai cũng vui vì có một cái Tết ấm no.
Làng nghề bánh bún Hà Thạch được công nhận từ năm 2013, đến năm 2019, Hợp tác xã bánh bún Hà Thạch được thành lập là cơ sở đầu tiên để xây dựng nhãn hiệu của địa phương. Năm 2023, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm bánh, bún Hà Thạch giúp địa phương có cơ sở pháp lý và bảo vệ độc quyền sản phẩm. Qua đó tiếp thêm động lực cho các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời, giữ uy tín và chất lượng thương hiệu.
Căn nhà mới của ông Hòa sau nhiều năm gắn bó với nghề truyền thống.
Đồng chí Hà Thị Phương Thư – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nghề làm bánh bún truyền thống tại địa phương đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 300 lao động với thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm. Kinh tế gia đình ổn định, đời sống vật chất tinh thần được nâng cao cũng là cơ sở để người dân tích cực, tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và các phong trào, hoạt động tại địa phương”.
Trải qua một thế kỷ với biết bao thăng trầm và bao thế hệ kế nghiệp, những người gắn bó với làng nghề giờ đây không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của quê hương, quyết tâm gắn bó và phát triển làng nghề, đem hương vị bánh vùng quê đi khắp các nơi trên địa bàn tỉnh.
Vy An
Nguồn: https://baophutho.vn/ha-thach-giu-nghe-truyen-thong-224729.htm