Thực thi nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp điều kiện thực tiễn, thị trấn Phong Châu là một trong những địa phương của huyện Phù Ninh làm tốt công tác giảm nghèo, hỗ trợ hiệu quả để người dân thoát nghèo bền vững. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của thị trấn giảm còn 0,68%; đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn còn 33 hộ nghèo và 34 hộ cận nghèo trên tổng số hơn 4.900 hộ dân.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi trong phát triển mô hình chế biến lâm sản, gia đình chị Lương Thị Thu Hà – khu 1 thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh) đã vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng.
Nằm tại vị trí trung tâm của huyện Phù Ninh, thị trấn Phong Châu có diện tích tự nhiên là 922,69 ha với 17.918 nhân khẩu sinh sống tại 22 khu hành chính. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thị trấn Phong Châu đã tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tích cực vận dụng linh hoạt và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của huyện, tỉnh, trung ương; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế theo hướng tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của thị trấn như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Theo đó, thị trấn đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện để người dân được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển đa dạng các ngành nghề như: Chế biến các sản phẩm từ giấy, cơ khí, xây dựng… Hiện toàn thị trấn có 6 doanh nghiệp sản xuất và chế biến các sản phẩm giấy, 1 công ty cơ khí, 2 xưởng chế biến lâm sản, 36 hộ sản xuất gia công đồ mộc, xẻ gỗ, xay xát, cơ khí, nhôm kính và gần 200 hộ kinh doanh dịch vụ; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động. Hằng năm thị trấn còn tích cực phối hợp với các đơn vị mở từ 5 đến 10 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, qua đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, đảm bảo tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có chứng chỉ luôn đạt từ 70% trở lên. Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng toàn thị trấn đạt gần 600 tỷ đồng. Nhiều công trình trường học, nhà văn hóa, tuyến đường liên phố đã được xây mới, cải tạo, sửa chữa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh) được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cho người dân giao thương hàng hoá.
Để tạo sinh kế bền vững, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có cơ hội vượt khó vươn lên, thời gian qua, địa phương cũng đã chú trọng sàng lọc, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo để đưa ra những giải pháp phát triển kinh tế với từng hộ; tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi. Hiện tổng dư nợ do các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội xã của thị trấn đứng ra nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 20 tỷ đồng cho hơn 200 lượt hộ vay. Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như gia đình chị Lương Thị Thu Hà ở khu 1, từ hộ mới thoát nghèo, chị đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến lâm sản. Sau 5 năm, cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, doanh thu trung bình tháng đạt trên 800 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định 10 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Nguyễn Thị Thùy Dung – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Châu cho biết: Hiện nay, thu nhập bình quân tại thị trấn đạt 56 triệu đồng/người/năm. Toàn thị trấn có 6 khu dân cư đã “xóa trắng” hộ nghèo gồm: Rừng Mận, Đá Thờ, Núi Trang, Đường Nam, Bãi Thơi, Đồng Giao. Qua rà soát, địa phương xác định các hộ nghèo, cận nghèo còn lại trên địa bàn chủ yếu là do tuổi già, người bị bệnh tật, thiếu việc làm… Với quyết tâm giúp người dân thoát nghèo bền vững, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng lao động;…. qua đó phát huy nội lực, từng bước đưa địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no.
Bích Ngọc
Nguồn: https://baophutho.vn/giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-ben-vung-221624.htm