Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những ngày lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa và tinh thần của mình. Đối với người Việt Nam, giỗ tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm, được xem là ngày quốc lễ của dân tộc. Lễ hội không chỉ là dịp để tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc và là nguồn cảm hứng bất tận cho những thế hệ mai sau trong việc tạo dựng và phát triển tương lai.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một ngày lễ truyền thống mà còn là dịp để mỗi người dân Việt Nam hướng về cội nguồn, tri ân công đức của các Vua Hùng – những người đã có công dựng nước và giữ nước, đồng thời là cơ hội để mỗi người suy ngẫm về truyền thống, văn hóa và tương lai của dân tộc.
“Trăm cây một cội, trăm con một nhà”
Lịch sử dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương, với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng.
Nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn đã lý giải nguồn gốc của tư duy này trong cuốn sách “Về Tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam” như sau: Cùng với đạo thờ Vua Hùng dựng nước, thờ những người có công với nước với làng, thờ thần làng, thần bản, đạo thờ những người đã khuất cùng huyết thống đã tạo thành mối liên kết tâm linh giữa những người sống chung trong một cộng đồng lãnh thổ và những người cùng chung trong cộng đồng huyết thống. Nó tạo nên một hệ thống tôn giáo dân tộc phản ánh mối liên kết đó trong thực tiễn xã hội. Trong một con người Việt Nam có hai con người thuộc về hai cộng đồng: Dòng máu và lãnh thổ. Không biết điều đó có nặng sâu hơn cư dân các nước khác không, nhưng có điều rất đặc biệt khó giải thích là người Việt Nam, trừ một số ít tộc người gốc phương Bắc hay ảnh hưởng đậm của văn hóa phương Bắc, có hiện tượng đồng nhất quan hệ huyết thống và quan hệ xã hội qua việc đồng nhất các thuật ngữ xưng hô trong dòng họ và ngoài xã hội. Hay có thể nói, người Việt Nam kéo các quan hệ xã hội về mối quan hệ gia đình.
Dù được nhìn nhận từ góc độ của truyền thuyết, huyền thoại hay từ chính sử có đề cập đến các sự kiện liên quan đến thờ cúng Hùng Vương đều hướng đến là lòng tự hào dân tộc. Theo lịch sử, ngay từ thời kỳ Hai Bà Trưng khởi nghĩa (vào mùa Xuân năm 40), trong nghi lễ tế cờ xuất binh của hai bà, lời thề “Một xin rửa sạch quốc thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng” đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nỗ lực chống lại kẻ thù xâm lược. Ý nghĩa của lời thề này không chỉ giới hạn ở việc là một lời thề mà còn bao gồm cả sự tôn vinh tín ngưỡng thiêng liêng, lòng biết ơn, trách nhiệm và mong muốn được sự phù hộ từ các vua Hùng. Về mặt tư tưởng, lời thề này đại diện cho một bản tuyên ngôn biểu tượng về tinh thần yêu nước và khát vọng tự cường của người Việt Nam, được biểu hiện qua sự kiên cường trong các cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược ngoại bang và việc gìn giữ những thành tựu văn hóa của tổ tiên. Một trong những thành tựu đáng chú ý là việc tạo dựng nên những biểu tượng văn hóa độc đáo của quốc gia, dân tộc, là minh chứng cho sự độc lập, tự chủ từ cội nguồn, từ bản sắc văn hóa sâu sắc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong số đó, tỉnh Phú Thọ có mật độ phân bố di tích dày đặc nhất với 326 di tích, nổi bật là Đền Hùng, nơi được các nhà sử học ca ngợi là “siêu di tích” và được mệnh danh là “thánh địa của cư dân Việt cổ”. Không có nơi nào khác trên đất Việt lại tập trung một cách dày đặc các hiện vật, dấu tích, huyền thoại, truyền thuyết, lễ hội, và các hoạt động diễn nghệ liên quan đến cuộc sống trong thời kỳ các Vua Hùng như tại Phú Thọ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chương trong bài viết “Về tình hình phân bố các di tích lịch sử thuộc thời các Vua Hùng” từ năm 1973, Phú Thọ có tới 432 di tích thờ cúng Hùng Vương và vợ con của các tướng lĩnh, bao gồm 40 đình, đền miếu thờ Hùng Vương, 77 nơi thờ vợ con các vua Hùng, 288 nơi thờ Cao Sơn, Tản Viên và các tướng lĩnh, cùng 87 di tích khác liên quan đến các sự kiện lịch sử thời kỳ các Vua Hùng.
Khởi nguyên từ Phú Thọ, việc thờ cúng Hùng Vương đã mở rộng khắp Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, miền Trung và tiếp tục lan rộng vào miền Nam theo bước chân của người Việt. Ngày nay, phong tục này đã được du nhập và phát triển tại nhiều quốc gia khác trên thế giới nơi có sự hiện diện của cộng đồng người Việt.
Sau khi Việt Nam gửi hồ sơ đến Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được các chuyên gia của tổ chức này xác nhận đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất trong số năm tiêu chí, đó là việc di sản này mang một giá trị đặc biệt với tầm vóc toàn cầu, góp phần khuyến khích sự nhận thức chung giữa các dân tộc về việc bảo tồn và phát huy giá trị đó.
Ngày 6.12.2012, tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự công nhận này không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là sự ghi nhận quốc tế về giá trị văn hóa, tâm linh của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Lễ giỗ Tổ không chỉ là biểu hiện của lòng thành kính, mà còn là cách thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của tinh thần dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử. Nó như một lời nhắc nhở rằng, dù cho bất kỳ biến cố hay thách thức nào, người Việt vẫn luôn giữ vững niềm tin và quyết tâm bảo vệ quê hương, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Tạo dựng tương lai từ biểu tượng tinh thần truyền thống
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng này đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của Tổ tiên để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, qua sự tôn vinh của các triều đại và sự bảo lưu, duy trì của nhân dân qua hàng thế kỷ, là bằng chứng quý giá cho thấy ý thức tự chủ dân tộc được xem như một nguồn sức mạnh nội tại tạo nên nhiều điều kỳ diệu trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương của người Việt. Đây cũng là một lý do quan trọng giải thích sự tồn tại đặc biệt và tầm vóc của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một Di sản văn hóa phi vật thể.
Giá trị cốt lõi và nền tảng sức mạnh của dân tộc Việt Nam được khẳng định qua lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc sâu sắc của người dân. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 22/SL ngày 18 tháng 2 năm 1946, trong đó quy định các ngày Tết, các dịp kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, bao gồm cả ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch. Điều này tiếp tục khẳng định giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong lễ hội Đền Hùng đầu tiên dưới thời Chính phủ Cách mạng vào năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đại diện cho Chính phủ đến Đền Hùng dự giỗ Tổ, dâng lên một tấm bản đồ Việt Nam và một thanh gươm quý như một lời nguyện cầu với tổ tiên về việc đất nước bị xâm lược và mong muốn tổ tiên phù hộ cho sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Đền Hùng cùng khu vực xung quanh đã trải qua hai lần bị quân giặc tấn công và phá hủy vào các năm 1949 và 1952, khi các công trình kiến trúc tại đây bị đốt cháy và hủy hoại. Mục tiêu của thực dân Pháp trong việc tàn phá Đền Hùng là nhằm mục đích xóa sổ một nơi thờ tự quan trọng, coi như “huyệt đạo” của tinh thần dân tộc Việt Nam, nhằm mục đích xóa bỏ lịch sử văn hóa và cắt đứt gốc rễ của dân tộc. Tuy nhiên, hành động này của kẻ thù càng khích lệ ý chí và quyết tâm kháng chiến của toàn dân được tăng cường mạnh mẽ. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, Đền Hùng đã trở thành một trong những căn cứ quan trọng của quân du kích và nhân dân địa phương. Ngay sau khi chiến dịch kháng chiến kết thúc thắng lợi, vào cuối năm 1953 và năm 1954, các công trình kiến trúc tại núi Hùng đã được khôi phục, tu sửa nhiều lần, nhằm phục hồi sự tôn kính và giá trị lịch sử của nó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng vào ngày 19.9.1954 và 19.8.1962. Tại Đền Giếng, nằm trong khuôn viên di tích Đền Hùng ngày 19.9.1954, Người đã có câu huấn thị nổi tiếng cho cán bộ, chiến sĩ bộ của Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) trước khi vào tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Lời nhắn nhủ này của Bác đã trở thành lời kêu gọi thiêng liêng trong lòng mỗi người Việt Nam, cùng nhau gìn giữ và phát huy giá trị của truyền thống lịch sử và văn hóa của Đất Tổ, nơi Đền Hùng là biểu tượng. Điều này đã thúc đẩy sự quan tâm không ngừng của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Đến nay, sau hơn một thập kỷ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc lại được khơi dậy mạnh mẽ trong từng trái tim người Việt Nam.
Đối với người dân, việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt Nam, được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Đây chính là điểm tựa vững chắc để nhân dân Việt Nam không ngừng nỗ lực, sáng tạo và cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước, để mỗi chúng ta tiếp tục bước đi trên con đường phát triển, góp phần viết tiếp những trang sử oai hùng cho thế hệ mai sau.
Nguyễn Hữu Mạnh