Phóng viên (PV): Thưa ông, vì sao Giỗ Tổ Hùng Vương được coi là nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc ta?

PGS, TS Bùi Xuân Đính: Chúng ta nên gọi và cần gọi là Giỗ Tổ các Vua Hùng cho chuẩn xác hơn. Vì theo các nhà ngôn ngữ học, Hùng Vương là khái niệm Hán-Việt, mà chữ Hán của người Trung Hoa mới được cha ông ta tiếp thu vào đầu Công nguyên (CN); trong khi việc thờ cúng các vị tổ tiên của đất nước ra đời muộn nhất cũng vào thế kỷ VII trước CN. “Vua Hùng” theo các nhà ngôn ngữ học, có gốc từ tiếng Tày Thái cổ, có nghĩa là “Pò khun”, tức “Bố của một vùng”.

Trở lại với câu chuyện Giỗ Tổ các Vua Hùng. Có thể nói, đây là nét văn hóa độc đáo, riêng có của các tộc người ở Việt Nam và của quốc gia-dân tộc Việt Nam. Để hiểu rõ vấn đề này, cần phải nhắc lại gốc của việc thờ Tổ các Vua Hùng.

 

PGS, TS Bùi Xuân Đính.

Các nguồn tài liệu khảo cổ học cho biết, cách đây khoảng trên dưới 4.000 năm, loài người bước vào thời kỳ đồ đồng, tạo ra năng suất lao động cao vượt bậc so với trước đó. Sự thay đổi có tính chất cách mạng này về sản xuất và kinh tế đã tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt về xã hội: Chế độ thị tộc mẫu hệ suy yếu và bị thay thế bằng thị tộc phụ hệ, gia đình phụ hệ và một vợ, một chồng thay thế gia đình mẫu hệ, đa phu; người đàn ông từ địa vị thấp, lệ thuộc vươn lên làm chủ gia đình; việc thờ tổ tiên thị tộc phụ hệ với những nghi lễ, định chế, quy cách rõ ràng, chuẩn chỉnh, do nam giới đảm nhiệm ra đời, thay thế cho thờ tổ tiên thị tộc mẫu hệ.

Việt Nam cũng không đi ngoài quy luật trên. Theo tài liệu khảo cổ học, trên vùng trung du, châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, khoảng 3.500-4.000 năm trước, nhóm Lạc Việt (gồm các tộc người thuộc ngôn ngữ Việt-Mường, Tày Thái cổ, một số tộc thuộc ngôn ngữ Môn/Khmer đã trực tiếp tạo ra những nền văn hóa có tính liên tục, từ Phùng Nguyên (2.000-1.500 năm trước CN), Đồng Đậu (1.500-1.000 năm trước CN), Gò Mun (1.000-700 năm trước CN) và phát triển thành nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ (700 năm trước CN đến năm 100 sau CN), dựa trên cơ sở kinh tế là nghề trồng lúa nước kết hợp các nghề thủ công, trong đó, độc đáo nhất là nghề đúc đồng với sản phẩm mang tính đặc trưng là trống đồng.

Sự thay đổi lớn lao về kinh tế-xã hội tạo điều kiện để các thị tộc liên kết với nhau thành các bộ lạc, hình thành bộ tộc. Thủ lĩnh các bộ lạc, bộ tộc đó đều mở rộng ảnh hưởng ra những vùng khác. Cuối cùng có một thủ lĩnh có năng lực hơn cả đã thu phục được các thủ lĩnh khác và lên ngôi vua, gọi là Vua Hùng. Sự lên ngôi này là kết quả của quá trình tạo lập các nền văn hóa trên đây, đồng nghĩa với việc lập nhà nước đầu tiên: Nhà nước Văn Lang (khoảng thế kỷ VII trước CN), trải qua nhiều đời vua (Vua Hùng). Đây là nhà nước sơ khai. Vua Hùng được xem là thủ lĩnh của một vùng rộng lớn, đảm nhiệm sứ mệnh quản lý quốc gia. Khái niệm “Vua Hùng” là khái niệm Việt cổ, gắn với tâm tư, tình cảm của các thế hệ người Việt từ buổi đầu dựng nước.

Như vậy, sự xuất hiện của tục thờ cúng tổ tiên gia đình phụ hệ của người Việt và một số tộc người ở nước ta gắn liền với thờ các vị có công mở nền, xây móng của quốc gia-dân tộc. Đây chính là nét độc đáo của tục Giỗ Tổ các Vua Hùng mà không quốc gia nào có được.

PV: Trải qua thời gian, Giỗ Tổ các Vua Hùng có sự biến đổi ra sao, thưa ông?

PGS, TS Bùi Xuân Đính: Theo các nguồn tài liệu, xa xưa, cha ông ta tổ chức Giỗ Tổ các Vua Hùng vào mùa thu (trong hai tháng Tám và Chín âm lịch). Về sau (có tài liệu chép vào niên hiệu Hồng Đức đời Vua Lê Thánh Tông 1470-1497), triều đình chọn ngày 11 và 12 tháng Ba làm ngày Giỗ Tổ. Đến năm Khải Định thứ 2 (Đinh Tỵ, 1917), Tuần phủ tỉnh Phú Thọ là Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ ấn định mồng 10 tháng Ba hằng năm làm ngày quốc tế (quốc lễ, quốc giỗ); còn ngày 11 tháng Ba do dân sở tại làm lễ để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng tổ tiên. Điều này được tấm bia “Hùng Vương từ khảo” do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940), hiện đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng ghi lại. Như vậy, kể từ năm 1917, việc Giỗ Tổ các Vua Hùng vào mồng 10 tháng Ba hằng năm được chính thức hóa bằng luật.

Cũng từ thời Hậu Lê trở đi, các vương triều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba, miễn thuế ruộng, thuế thân, miễn đi lính và phu phen tạp dịch. Vào năm Gia Long thứ hai (năm 1803), triều đình quy định đền thờ các Vua Hùng ở xã Hy Cương (Đền Hùng hiện nay) có 52 dân phu chuyên phục vụ việc bảo vệ, tôn tạo di tích và tổ chức thờ cúng, phục vụ thờ phụng.

Đoàn rước lễ, dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023. Ảnh: NGUYỄN ANH TUẤN

Ngày nay, việc Giỗ Tổ các Vua Hùng có nhiều thay đổi so với trước, như: Thời gian tổ chức giỗ dài hơn, diễn ra 10 ngày, từ mồng 1 đến mồng 10 để nhân dân các địa phương (cả người Việt Nam ở nước ngoài) có điều kiện về lễ Tổ, giao lưu văn hóa; Lễ Giỗ Tổ được nâng lên thành “Lễ hội” với quy mô, hình thức tổ chức khác nhau, có nghị định quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào các năm chẵn, năm tròn, năm lẻ; Giỗ Tổ các Vua Hùng ngày nay là quốc lễ nên từ năm 2007, mồng 10 tháng Ba, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương (trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL-CTN ngày 18-2-1946 cho công chức nghỉ mồng 10 tháng Ba hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ các Vua Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc; song về sau quy định này không được duy trì vì các lý do khách quan).

Do lễ hội được tổ chức dài ngày, không gian hội được mở rộng, điều kiện kinh tế của các tầng lớp cư dân được cải thiện, hệ thống giao thông và các phương tiện giao thông ngày càng hiện đại; nên ngày nay, mỗi kỳ Lễ hội Đền Hùng có một lượng lớn đồng bào khắp nơi từ cả trong và ngoài nước về lễ Tổ. Các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí đa dạng, dịch vụ phong phú cũng tạo ra nguồn thu lớn cho địa phương, góp phần vào việc phát triển kinh tế.

PV: Hiện nay, ngoài Phú Thọ, nhiều nơi trên cả nước có Đền thờ Vua Hùng và tổ chức giỗ Tổ tại đó. Điều đó có giữ được ý nghĩa như khi chúng ta tổ chức ở Đền Hùng, Phú Thọ không, thưa ông?

PGS, TS Bùi Xuân Đính: Với lòng tưởng nhớ, tri ân công ơn to lớn của các Vua Hùng, nhân dân nhiều địa phương trong cả nước từ Bắc chí Nam đã xây dựng Đền thờ Vua Hùng và tổ chức Giỗ Tổ tại các di tích này, cũng trang nghiêm, thành kính. Điều này xuất phát từ tục thờ vọng của nhân dân ta, đồng thời cũng thể hiện quy luật in dấu ấn lịch sử-văn hóa trong quá trình mở cõi. Điều này làm phong phú thêm tục thờ các Vua Hùng, song cũng không làm giảm đi sự đông đúc, nghiêm trang của việc thờ Tổ tại Đền Hùng ở Phú Thọ, vì nơi đây là trung tâm của sự thiêng liêng, là điểm hút lòng ngưỡng mộ của các tầng lớp cư dân trong cả nước đối với công lao của các Vua Hùng.

PV: Những năm gần đây, lượng người về Lễ hội Đền Hùng quá đông dẫn đến chen lấn, xô đẩy, thậm chí mất an toàn… Làm thế nào để giữ gìn và phát huy được nét đẹp ngày lễ lớn của dân tộc cả về ý nghĩa vốn có lẫn trong ứng xử, thực hành, thưa ông?

PGS, TS Bùi Xuân Đính: Để hạn chế những bất cập này, cần phải kết hợp đồng bộ các biện pháp. Trước hết phải phân luồng (thời gian và lượng khách) đến lễ ở khu vực thờ tự chính, bố trí lại các điểm bán hàng, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí một cách hợp lý; lực lượng chức năng phải cương quyết xử lý các hiện tượng vi phạm… Và trên hết, phải tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tâm thế, cách hành xử của người đến với lễ hội thiêng liêng, ý nghĩa này cũng như hoạt động lễ hội trong cả nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)

nguồn