Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba luôn quan tâm giúp người dân nâng cao nhận thức, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo theo hướng bền vững, tích cực xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Ba, chị Nguyễn Thị Phương ở khu 8, xã Đồng Xuân đã đầu tư trồng chè và chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.
Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế địa phương để phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững. Trong đó, xã đặc biệt chú trọng phối hợp tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, đồng thời triển khai có hiệu quả các nguồn vốn, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Xã đã phối hợp với các đơn vị mở các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, tạo việc làm mới cho hàng trăm lao động; giao các hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, đưa những cây, con giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất; nhận ủy thác, đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với bà con đúng mục đích, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả thiết thực; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện các mô hình liên kết trong đầu tư, sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng sản phẩm OCOP.
Các phong trào thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững được các đoàn thể, hội viên và người dân tích cực hưởng ứng tham gia, tạo việc làm tại chỗ cho các lao động địa phương. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao theo hướng bền vững, nhân rộng và lan tỏa mô hình, điển hình như các mô hình: Nuôi trâu, bò vỗ béo của ông Khuất Văn Hưng; nuôi gà thả vườn của các ông Trương Thanh Sơn, Phạm Văn Hùng ở khu 8; xưởng gia công cơ khí của anh Nguyễn Văn Tuân ở khu 6; trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Chiến ở khu 5; may xuất khẩu của hộ bà Hà Thị Thu ở khu 6… hay Hợp tác xã chè xanh Đồng Xuân với 20 thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả và được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, sản lượng chế biến 120 tấn/năm.
Đồng chí Nguyễn Trung Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xã huy động tối đa các nguồn lực xã hội, ưu tiên hỗ trợ vốn, đầu tư sản xuất, quan tâm trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả tiểu dự án giảm nghèo về thông tin, chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở; thực hiện các phong trào thi đua giảm nghèo, khích lệ ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng của người dân”.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo, đến nay diện mạo xã nông thôn mới Đồng Xuân đã thay đổi rõ nét; đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng cao, số hộ khá ngày càng tăng lên; xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế khá, giỏi, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Qua kết quả rà soát sơ bộ năm 2024, xã Đồng Xuân còn 38 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,66% tổng số hộ toàn xã, giảm 0,9% so với năm 2023; cận nghèo còn 22 hộ, chiếm tỷ lệ 1,54%.
Ngọc Lam
Nguồn: https://baophutho.vn/giam-ngheo-o-dong-xuan-222025.htm