Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đến nay, công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc cho Nhân dân.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, huyện Cẩm Khê cùng các đại biểu bàn giao “Căn nhà cấp ủy” cho đảng viên Nguyễn Song Hải ở khu Liên Minh, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê.
Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Tân Sơn là huyện miền núi, còn nhiều khó khăn, song năm 2024, huyện đã tiếp tục có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương để giúp người dân thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với việc thực hiện tích cực, đúng đối tượng thụ hưởng, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hàng năm trên địa bàn đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản; nhân rộng các điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo, tạo sức lan tỏa trong xã hội, nhân diện rộng các mô hình hiệu quả.
Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện mỗi năm giảm 1,7%; huyện phấn đấu đến năm 2025, có 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3%… Anh Trần Minh Diện ở khu Liên Minh, xã Thu Ngạc chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo. Được xã, khu dân cư động viên, khuyến khích, hướng dẫn tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng và được vay vốn tín dụng ưu đãi theo chương trình hộ nghèo, giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi có thêm động lực đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi. Chăm chỉ làm ăn, tích cóp, đến năm 2022, gia đình tôi đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, xây được nhà kiên cố, nuôi 2 con ăn học…”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng, những năm qua, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên phối hợp, tổ chức tuyên truyền, vận động rộng rãi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách công tác giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời nhất quán tập trung các nguồn lực cho giảm nghèo bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành và địa phương tích cực triển khai hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn lực hỗ trợ thực hiện Chương trình, không chạy theo thành tích, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá Chương trình. Trong đó, tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng trong sản xuất; quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng; hỗ trợ đào tạo nghề; nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin, truyền thông; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo; thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo…
Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, thu hút các dự án đầu tư và kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày càng phát triển ổn định, bền vững; phát huy tốt vai trò, thể hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia ủng hộ Quỹ ‘‘Vì người nghèo’’, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hội Chữ thập đỏ huyện Yên Lập, xã Ngọc Lập trao bê từ dự án “Ngân hàng bò” cho gia đình chị Hà Thị Huyền Anh ở khu Hang Đùng 2.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Xác định an sinh xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ có ý nghĩa nhân văn, quan trọng, trong nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, điển hình như thực hiện chính sách ưu đãi người có công, việc làm và thu nhập, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, giảm nghèo…
Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổng kết, đánh giá các chính sách, pháp luật, chương trình, đề án về an sinh xã hội; triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác đào tạo nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện thanh toán các chế độ chính sách xã hội không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội; thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong thực hiện chính sách xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội.
Đến nay, các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, nhất là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo là đồng bào DTTS, có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững của tỉnh đã đạt nhiều thành tích nổi bật. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; hầu hết các chính sách, dự án của chương trình thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo bền vững được nâng lên, có chuyển biến rõ rệt; mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Mức sống dân cư được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Công tác bảo đảm an sinh xã hội đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhiều chính sách được ban hành, thực thi hiệu quả trong cuộc sống…
Theo đồng chí Hoàng Xuân Đoài – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, tỉnh Phú Thọ phấn đấu giảm từ 0,6% hộ nghèo, 0,3% hộ cận nghèo, giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo mới. Các huyện, thành, thị có mức giảm từ 0,03% đến 1,72%, trong đó các huyện Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê có mức giảm cao. Từ nay đến năm 2025, tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, đồng thời thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngọc Lam
Nguồn: https://baophutho.vn/giam-ngheo-ben-vung-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-221818.htm