Nghị quyết số 13-NQ/HU, ngày 8/1/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Ninh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện Phù Ninh giai đoạn 2020-2025 qua thời gian triển khai thực hiện đã khẳng định tính “đúng”, “trúng”, phù hợp với tình hình địa phương và sát với thực tiễn sản xuất. Nghị quyết đã tạo động lực mạnh mẽ, đưa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt được những thành tựu quan trọng.
Các đồng chí lãnh đạo huyện và Phòng NN&PTNT thăm vườn rau an toàn xã An Đạo
Nghị quyết 13 định hướng phát triển các cây trồng chủ lực như chè, bưởi Diễn, hồng không hạt Gia Thanh và nông nghiệp cận đô thị. Trong quá trình cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành thêm 2 nghị quyết bổ trợ, đó là Nghị quyết số 94-NQ/HU, ngày 30/12/2021 về chuyển đổi diện tích bạch đàn chồi trên địa bàn huyện Phù Ninh đến hết năm 2023 và Nghị quyết số 95-NQ/HU, ngày 30/12/2021 về phát triển vùng hồng đặc sản Gia Thanh giai đoạn 2022 – 2025.
Quá trình triển khai Nghị quyết 13 gặp khó khăn ban đầu do người dân chưa nhận thức đầy đủ nên chưa mặn mà thực hiện. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, Nghị quyết đã dần đi vào thực tiễn, góp phần thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện khai thác hiệu quả các tiềm năng về đất đai và thổ nhưỡng; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
Trên cơ sở Nghị quyết, HĐND, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án để thúc đẩy nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn phát triển. Qua đó, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, phát huy được lợi thế của từng địa phương, dần tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, khuyến khích áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Những sản phẩm như: Chè Chùa Tà (xã Tiên Phú), bưởi Phú Lộc, hồng không hạt Gia Thanh, cá thính Tử Đà, bánh sắn Phong Châu, cá Koi Phú Mỹ, gà đồi Liên Hoa, bánh tẻ Bình Phú, trứng gà đen Hạ Giáp, mỳ gạo Làng Vai, mật ong Trung Giáp… và một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Phù Ninh đang dần khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường.
Từ đó, tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển làng nghề, làng có nghề. Các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, cây ăn quả và rau màu được mở rộng; phát triển một số mô hình nông sản chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao, như: Mô hình trồng rau, dưa trong nhà màng, hệ thống tưới tiêu, bón phân thông minh; chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản đã được phát triển theo hướng an toàn, từng bước nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất. Tính đến nay, 7/7 mục tiêu Nghị quyết cơ bản đạt và vượt.
Cây hồng không hạt Gia Thanh được coi là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện. Diện tích trồng hồng Gia Thanh trên địa bàn huyện hiện có trên 265ha, tăng 33% so mục tiêu Nghị quyết, trong đó diện tích cho sản phẩm hơn 137ha; năng suất bình quân đạt 152 tạ/ha, vượt 21% so mục tiêu Nghị quyết. Việc nhân rộng diện tích hồng đã góp phần xây dựng thành công cây đặc sản của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung; làm thay đổi tư duy về phát triển kinh tế vùng đồi.
Ngoài cây hồng đặc sản, cây bưởi, chè và cây gỗ lớn cũng được quan tâm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng. Toàn huyện có trên 270ha bưởi, 545ha chè, giữ ổn định rừng phòng hộ 75ha, rừng đặc dụng 22ha. Đây là chủ trương lớn trong Nghị quyết, nhằm đa dạng hóa các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, nâng cao thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, bước đầu hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Công nghệ nuôi thâm canh, bán thâm canh được đẩy mạnh; giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng lên nhiều so với trước đây. Diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng thu hoạch đều tăng so mục tiêu nghị quyết, trong đó, sản lượng khai thác, đánh bắt tự nhiên 349 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng 1.529 tấn.
Trong phát triển nông nghiệp cận đô thị, đã lập quy hoạch, đầu tư vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các xã An Đạo, Bình Phú với quy mô 60ha. Tập trung chỉ đạo phát triển một số loại cây có giá trị: Cây hoa (xã Tiên Du), cây cảnh (Phú Lộc, Phù Ninh, thị trấn Phong Châu); rau an toàn (Tiên Du, An Đạo). Hiện nay, diện tích vùng trồng rau an toàn ước đạt hơn 6ha.
Những kết quả đạt được từ thực hiện Nghị quyết 13 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các nghị quyết phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Nguyễn Thị Kim Thu
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Ninh
Nguồn: https://baophutho.vn/dong-luc-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-225636.htm