Chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hội viên luôn là nhiệm vụ quan trọng được các cấp Hội LHPN trong tỉnh quan tâm, triển khai với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận vốn, kiến thức, khoa học kỹ thuật để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Hội trong các phong trào thi đua ở địa phương.
Nhờ vốn vay ưu đãi qua tổ chức Hội, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, khu 4, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao (đứng giữa) mở xưởng may gia công, mỗi năm thu nhập trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 hội viên, phụ nữ.
Hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế
Sinh năm 1980, chị Nguyễn Thị Kim Oanh ở khu 4, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao đã theo đuổi niềm đam mê với nghề may khi còn rất trẻ. Trước đây, chị và một số hội viên khác đã cùng nhau mở một cửa hàng may nhỏ chuyên nhận sửa chữa, may quần áo thời trang tại nhà nhưng thu nhập không cao, công việc cũng không ổn định nên chị luôn trăn trở tìm cho mình hướng đi mới để phát triển nghề may. Năm 2021, sau khi tìm hiểu qua thị trường cùng với sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các xưởng may lớn, chị Oanh và chồng đã mạnh dạn vay vốn, mở xưởng may gia công mũ thời trang, mũ bảo hộ lao động tại nhà.
Dẫn chúng tôi tham quan xưởng may gia công rộng hơn 150m2 với hệ thống nhà xưởng, máy may được đầu tư xây dựng bài bản, chị Oanh chia sẻ: Tôi lựa chọn mở xưởng may gia công để phát triển kinh tế bởi hiện nay may gia công có rất nhiều ưu thế là mẫu mã, nguyên liệu đã có doanh nghiệp lo, mình chỉ gia công may ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Được hội LHPN tạo điều kiện cho tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, khắc phục khó khăn về vốn sản xuất và mở các lớp tập huấn đã giúp chị em nâng cao tay nghề, tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, xưởng may của gia đình ngày càng phát triển, tạo được “chỗ đứng” trên thị trường. Bình quân mỗi năm, xưởng may xuất xưởng hàng nghìn sản phẩm, cho thu nhập trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 chị em, phụ nữ tại địa phương với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/ người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai ở khu 2, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba được biết đến là hội viên có mô hình phát triển kinh tế gia đình tiêu biểu của thị trấn. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Thấu hiểu được hoàn cảnh của chị, năm 2019 Hội LHPN thị trấn đã tạo điều kiện cho chị vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của tỉnh để phát triển mô hình kinh tế trồng cây chè và chăn nuôi gà thịt.
Chị Mai chia sẻ: Từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội LHPN tạo điều kiện cho gia đình được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tôi đã có thêm vốn để mua sắm trang, thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất và chăn nuôi. Đến nay, diện tích trồng cây chè của gia đình tôi trên 600m2 và nuôi hơn 300 con gà thịt. Ngoài ra, gia đình tôi cũng mua thêm máy sấy chè để nhận sấy chè tươi tại nhà, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, năm 2022 gia đình tôi đã thoát hộ cận nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ngoài chị Oanh, chị Mai mạnh dạn phát triển kinh tế theo hình thức hộ gia đình, nhiều chị em, hội viên khác cũng được hội LHPN hỗ trợ, giúp đỡ, tích cực tham gia vào các tổ, nhóm liên kết, hợp tác xã, tổ hợp tác… để liên kết phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định, qua đó khẳng định vai trò của người phụ nữ trong phát triển kinh tế.
Hội nghị đối thoại chính sách với chủ đề “Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế – xã hội” thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ hội viên
Để giúp phụ nữ phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế, làm giàu chính đáng, Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giai đoạn 2017-2025, bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua, giúp hội viên tiếp cận với các chương trình, chính sách ưu đãi, nguồn vốn hỗ trợ trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các cấp hội thường xuyên rà soát, phân loại hộ nghèo, nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của hội viên, đặc biệt là hội viên, phụ nữ nghèo làm chủ hộ để kịp thời đưa ra các giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhất; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề về khởi nghiệp, phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… cho hội viên, phụ nữ.
Các cấp hội cũng tích cực triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau có địa chỉ, phân công hội viên nòng cốt, hội viên có điều kiện kinh tế giúp đỡ hội viên khó khăn về vốn, kiến thức, cây, con giống hoặc giúp đỡ ngày công lao động để cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Quản lý hiệu quả các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, TYM… với tổng dư nợ trên 1.800 tỷ đồng, cho 47.000 hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ đó, năm 2023 các cấp Hội đã giúp 2.030 hộ giảm nghèo, trong đó có 878 hộ thoát nghèo.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ, nhóm liên kết phát triển kinh tế. Đồng thời, kết nối, giới thiệu, đưa sản phẩm, hàng hóa của hội viên, phụ nữ lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh phân phối, hệ thống siêu thị, hỗ trợ tham gia các hội nghị kết nối cung – cầu tại các tỉnh, thành phố trong khu vực. Hàng năm, tổ chức “Ngày hội phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Hướng dẫn cán bộ, hội viên, phụ nữ xây dựng dự án, ý tưởng khởi nghiệp tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” hàng năm do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức…
- Từ năm 2023 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh cho trên 90% cán bộ hội chuyên trách các cấp và 70% hội viên, phụ nữ; tổ chức trên 70 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử, đào tạo phát triển mô hình kinh doanh, mô hình kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… thu hút hơn 2.700 hội viên, phụ nữ, chủ doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, tổ/nhóm liên kết trên địa bàn tỉnh tham gia; tổ chức đào tạo nghề cho hơn 1.500 lao động nữ, sau đào tạo đã có trên 1.200 người có việc làm, tự tạo việc làm…
Đồng chí Phạm Thị Kim Loan – TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Bằng việc triển khai hoạt động tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế của các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Để hội viên phụ nữ phát triển kinh tế có hiệu quả, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tính chủ động, sáng tạo, luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên, phụ nữ trong phát triển sản xuất, kinh doanh; động viên, khuyến khích phụ nữ tự tin phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.