Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình 1719) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 4/10/2021.
Sau 4 năm triển khai, Chương trình 1719 đã góp phần làm thay đổi diện mạo các xóm, bản vùng cao trên địa bàn huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và một số khu vùng cao của huyện Thanh Thủy, Đoan Hùng khi tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Chương trình cũng đã giải quyết nhu cầu cấp thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tạo sinh kế cho đồng bào DTTS; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, xây dựng thiết thế văn hóa thôn, xóm…
Diện mạo xã miền núi Minh Đài, huyện Tân Sơn ngày một khang trang. Ảnh: Trường Quân
Đúng đối tượng
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hà Văn Nhung ở khu Chiềng 1, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn là một trong những hộ điển hình của xã về nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bên ngôi nhà 2 tầng đang trong giai đoạn hoàn thiện vẫn còn ngổn ngang gạch, vữa, anh Nhung kể cho chúng tôi nghe ngày tháng cơ hàn, nghèo khó đã qua. Cũng như nhiều người dân trong khu, thiếu vốn, không có nghề phụ, cuộc sống của gia đình quanh năm túng thiếu.
Được cán bộ xã động viên, tư vấn, anh Nhung đã bàn tính rồi vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tân Sơn 40 triệu đồng theo chương trình thoát nghèo để trồng rừng sản xuất. Sau mấy năm chăm sóc, cây nguyên liệu đã phát triển tốt và cho khai thác. Những lúc nông nhàn, anh theo cánh thợ trong khu đi làm công trình xây dựng ở Hà Nội vài tháng mới về. Một tay chăm lo con cái, quán xuyến việc nhà, dù sức khỏe không được tốt, nhưng chị Giang vợ anh Nhung còn làm thêm nghề sửa chữa may vá trang phục và đồ tang lễ của đồng bào. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Anh Nhung chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, đồng bào chúng tôi được thụ hưởng nhiều chính sách như nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, vay vốn, đào tạo nghề. Như nhà tôi đây được Chương trình 1719 hỗ trợ 44 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, chúng tôi đã làm được ngôi nhà vững chãi, khang trang này để an cư lạc nghiệp”.
Huyện Tân Sơn có 17 xã, 172 thôn bản, người DTTS chiếm 82,5% dân số toàn huyện; trong đó chủ yếu là dân tộc Mường và một bộ phận dân tộc Dao, dân tộc Mông, còn lại là các dân tộc khác. Thực hiện Chương trình 1719, huyện Tân Sơn đã tập trung huy động các nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS… Đến nay, 100% đường giao thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 1,7%/năm, thu nhập bình quân đạt 36,16 triệu đồng/người/năm. Đời sống đồng bào DTTS và miền núi của huyện ngày càng khởi sắc. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới và xuất khẩu lao động cho đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều gia đình DTTS nghèo được hỗ trợ sửa chữa, xây mới xóa nhà tạm; hàng nghìn ha rừng tự nhiên được bảo vệ. Nhiều sản phẩm đặc trưng của đồng bào được sản xuất theo hướng hàng hoá…
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư phát triển. Hàng năm, có hàng chục nghìn người DTTS thuộc các xã vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí và hưởng các dịch vụ y tế trong khám, chữa bệnh. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các DTTS khác trên địa bàn được gìn giữ…
Đồng chí Trần Khắc Thăng – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình dự án cho vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng đồng DTTS; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS; phát huy bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Được Chương trình 1719 hỗ trợ 44 triệu đồng, vay Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, gia đình anh Hà Văn Nhung ở khu Chiềng 1, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn đã xây được ngôi nhà kiên cố.
Tập trung huy động nguồn lực
Theo đồng chí Hầu A Lềnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chương trình 1719 là chương trình quyết sách mang tính lịch sử, lần đầu tiên được Quốc hội, Chính phủ quyết định đầu tư dành riêng cho vùng đồng bào DTTS với một nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay.
Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách dành cho đồng bào DTTS nhiều năm qua cùng với những chính sách mới nhưng được thay đổi cơ bản về cách tiếp cận trong phát triển kinh tế – xã hội dành cho địa bàn đặc thù này, đó là chuyển dần từ các chính sách mang tính chất hỗ trợ sang đầu tư phát triển.
Chương trình sẽ dành nguồn lực đầu tư đáng kể cho các chính sách phát triển thông qua ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Các nội dung của chương trình được mong đợi sẽ hỗ trợ kịp thời để đồng bào DTTS tiếp cận được các dịch vụ cơ bản, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển so với các vùng phát triển của cả nước.
Thực hiện Chương trình 1719, tỉnh Phú Thọ đã triển khai 10 dự án, thành phần với các nội dung hỗ trợ bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội có tác động rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Các nội dung đã từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn…
Theo kế hoạch, vốn đầu tư phát triển từ Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là trên 1.177 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng để thực hiện 357 công trình.
Qua đó, đời sống người dân được cải thiện đáng kể; diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS đã có sự thay đổi rõ nét. Thu nhập của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 4,49% (giảm 0,7%), hộ cận nghèo còn 3,65% (giảm 0,53%); tỷ lệ hộ nghèo là DTTS giảm 2%…
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên theo báo cáo mới nhất của Ban Dân tộc trình HĐND tỉnh Phú Thọ, sau gần 4 năm triển khai Chương trình 1719, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vẫn chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân đối với nguồn vốn sự nghiệp còn thấp. Một số dự án, tiểu dự án còn hạn chế ở khâu tổ chức thực hiện, một số quy định về định mức hỗ trợ còn thấp, đối tượng quy định còn hạn chế…
Để hoàn thành mục tiêu của Chương trình 1719 trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021 -2025, đồng chí Cầm Hà Chung – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Trước tiên cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì, tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình 1719.
Theo đó, Ban chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương rà soát đối tượng thụ hưởng thuộc các dự án, tiểu dự án, xác định kinh phí, đề xuất phương án, tham mưu HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; trình Chính phủ cho phép tỉnh Phú Thọ điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 2% xuống còn 1,2% để phù hợp với thực tiễn của tỉnh khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025”.
Năm 2024, thực hiện Chương trình 1719, Phú Thọ đặt mục tiêu: 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 96% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường; 99,3% học sinh đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học, 99,2% ở cấp THCS và 98% ở cấp THPT, 99% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; phấn đấu có trên 45% lao động là người DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện; 74,9% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 38,2% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng…
Thúy Hằng
Nguồn: https://baophutho.vn/diem-tua-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-220334.htm