Xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức về các vấn đề dân số, thời gian qua, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động, phối hợp hiệu quả với các ban, ngành, đoàn thể để triển khai thực hiện. Nhờ đó, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Cán bộ, CTV dân số xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê chia sẻ, cung cấp thông tin dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các cặp vợ chồng tại địa phương.
“Cánh tay nối dài” từ cơ sở
Giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông dân số ở cộng đồng, đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số là những người trực tiếp tuyên truyền về chính sách dân số cũng như các hoạt động truyền thông dân số – chăm sóc sức khỏe sinh sản tới người dân. Có lợi thế là người sống ở ngay trong cộng đồng, CTV dân số hiểu rõ nhu cầu, đặc điểm của từng đối tượng để lựa chọn cách thức trao đổi và truyền đạt các nội dung về DS/SKSS/KHHGĐ như thế nào cho phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Hương Thư – CTV dân số của khu 7, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì cho biết: “Ngoài cấp phát tài liệu, tờ rơi, tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp tại khu dân cư, sinh hoạt đoàn thể, tôi còn tuyên truyền đến các hộ gia đình, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tư vấn cho các cặp vợ chồng trẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, khám sàng lọc sức khỏe trước sinh và sơ sinh; tuyên truyền, tư vấn cho các cháu vị thành niên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân…”.
Hơn 20 năm làm CTV dân số khu Xóm Trong, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê, bà Nguyễn Thị Thu đã quen với việc “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.
Bà Thu vui vẻ cho biết: Khu Xóm Trong hiện có 166 hộ với 629 nhân khẩu, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 145 người. Để làm tốt công tác dân số, tôi tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình, thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tranh thủ lúc đi chợ, lúc sinh hoạt hội phụ nữ… để truyền thông một số nội dung về dân số cũng như các biện pháp tránh thai hiện đại, an toàn nhằm bảo đảm sức khỏe bản thân, giữ gìn hạnh phúc gia đình; truyền thông về bình đẳng giới, lợi ích của việc khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng…
Việc truyền thông về công tác dân số được thực hiện bằng cả cái tâm, cái tình và sự khéo léo để không chỉ phụ nữ mà cả nam giới đều hiểu, cùng có trách nhiệm thực hiện công tác dân số.
Theo ông Nguyễn Việt Phương – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 3.114 CTV dân số, trong đó có 1.878 CTV kiêm y tế thôn bản. Các huyện có số CTV dân số nhiều như Hạ Hòa 354 CTV, Cẩm Khê 342 CTV, Thanh Sơn 296 CTV, Việt Trì 275 CTV… Họ được ví như “cánh tay nối dài” của ngành Dân số, là đầu mối giúp các cơ quan chức năng cập nhật thường xuyên thông tin về dân số ở cơ sở, chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số. Họ không quản ngại khó khăn, vất vả đến từng gia đình tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức và hành vi về DS/SKSS/KHHGĐ đến người dân.
Cán bộ dân số xã Thụy Vân, TP Việt Trì phát tờ rơi tuyên truyền cho thanh niên đến khám, tư vấn về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân.
Đẩy mạnh công tác truyền thông
Xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê là xã công giáo toàn tòng với dân số 4.872 người, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 741 người, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng dùng các biện pháp tránh thai đạt trên 71%. Hiện xã Yên Tập có 10 CTV dân số tại 7 khu dân cư, trong đó có 2 người phụ trách trong Ban hành giáo nên việc thực hiện công tác dân số ở xã luôn được triển khai sâu rộng, thuận lợi.
Chị Phan Thị Anh – cán bộ dân số xã Yên Tập cho biết: Vào mỗi đợt chiến dịch truyền thông dân số, lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đội ngũ CTV tại các khu dân cư đều luôn sâu sát địa bàn, không quản nắng mưa đến từng nhà tuyên truyền, vận động các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ đến cơ sở y tế để tư vấn, thăm khám, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình, sức khỏe người cao tuổi…
Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Dân số – Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế thành phố Việt Trì đã tổ chức thực hiện các chương trình dân số – truyền thông giáo dục sức khỏe, tư vấn chăm sóc sức khỏe vị thành niên, sức khỏe tiền hôn nhân, chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ, truyền thông y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Trong đó, chiến dịch dân số mùa Xuân, chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại 9/22 phường, xã với 400 người khám; tổ chức lễ ra quân chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại xã Trưng Vương với hơn 100 người tham dự; tổ chức truyền thông, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 5 phường, xã: Kim Đức, Thụy Vân, Vân Cơ, Gia Cẩm, Dữu Lâu với gần 200 người được tư vấn, khám sức khỏe; tổ chức 14 hội nghị truyền thông về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên tại trường học…
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế còn phối hợp với Liên đoàn lao động thành phố tổ chức tuyên truyền cho 500 công nhân tại Công ty Giầy Vĩnh Phú, Công ty may Hùng Vương các kiến thức về SKSS/KHHGĐ và các chính sách về dân số; tổ chức 16 buổi truyền thông y tế với 550 người nghe được cung cấp thông tin về bệnh không lây nhiễm tại 22 phường, xã.
Bà Hà Thị Quỳnh Lâm – Trưởng phòng Dân số – Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế thành phố Việt Trì cho biết: Để nâng cao chất lượng truyền thông dân số, Phòng tiếp tục triển khai các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số; quan tâm, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số, bảo đảm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông như: Truyền thông trực tiếp, gián tiếp, truyền thông trên mạng xã hội… nhằm đưa dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến tận người dân.
Nhờ đẩy mạnh truyền thông ngay từ cơ sở, nhận thức, hành vi của người dân dần thay đổi, kết quả thực hiện các mục tiêu dân số được nâng lên rõ rệt. Truyền thông đã đến với từng nhà, từng thôn, xóm theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, góp phần thay đổi nhận thức, hành động và tự giác thực hiện. Sự chủ động, linh hoạt, đổi mới cả về nội dung và phương thức truyền thông phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Nội dung, thông điệp truyền thông không chỉ đơn thuần tập trung vào KHHGĐ mà còn mở rộng sang các nội dung khác như: Khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân… để nâng cao chất lượng dân số. Ngoài phương thức truyền thông truyền thống còn lồng ghép kết hợp với các nội dung, chương trình khác về kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Linh Nguyễn
Nguồn: https://baophutho.vn/day-manh-cong-tac-truyen-thong-dan-so-215663.htm