Đoan Hùng là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của tỉnh với trên 13.000ha, chiếm gần 50% diện tích đất tự nhiên của huyện. Thời gian qua, Đoan Hùng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để khai thác, phát huy thế mạnh phát triển lâm nghiệp, tăng năng suất, giá trị kinh tế rừng, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó có nội dung đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC)
Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, vận động người dân xã Tây Cốc tham gia đăng ký cấp chứng chỉ FSC để nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp.
Việc cấp chứng chỉ FSC mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giá trị gỗ được tăng thêm, nâng cao được thu nhập trên đơn vị diện tích. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, tiến độ cấp chứng chỉ rừng chậm, chưa xứng với tiềm năng của huyện. Đến nay, toàn huyện Đoan Hùng mới có khoảng 300ha rừng gỗ lớn của các công ty lâm nghiệp được cấp FSC, rừng sản xuất của người dân chưa có diện tích nào được cấp chứng chỉ.
Nguyên nhân chủ yếu do tập quán sản xuất của người dân, chất lượng giống, quy trình đầu tư, chăm sóc chưa đáp ứng tiêu chuẩn quản lý rừng; diện tích rừng sản xuất của người dân nhỏ lẻ, diện tích đất lâm nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng còn phổ biến, gây khó khăn cho công tác rà soát, quản lý…
Với mục tiêu nâng tầm cho gỗ rừng trồng, năm 2024, huyện Đoan Hùng đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC cho diện tích rừng trồng trên địa bàn. Huyện đã phối hợp, tạo điều kiện để Công ty TNHH Hoàng Đại Vương hợp tác với các hộ dân của 9 xã thực hiện các nội dung cấp chứng chỉ FSC với diện tích đã rà soát khoảng 1.800ha. Việc cấp chứng chỉ FSC sẽ giúp cho gỗ rừng trồng của bà con được ký kết bao tiêu cao hơn giá thị trường, các sản phẩm từ gỗ sau khi chế biến sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài.
Đại diện HTX phát triển rừng miền Bắc khu vực Phú Thọ (Công ty TNHH Hoàng Đại Vương), ông Vũ Văn Huệ thông tin: “Quá trình thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững trên địa bàn huyện Đoan Hùng gặp nhiều thuận lợi. Chúng tôi nhận được quan tâm, đồng hành của các cấp chính quyền trong vận động các chủ rừng tham gia đăng ký thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững, ủng hộ của người dân. Đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến đã được đẩy mạnh, giúp người dân nhận thức được những lợi ích thiết thực của việc trồng rừng theo yêu cầu FSC, nhờ đó đại đa số các hộ dân ở các xã đã tiên phong tham gia đăng ký. Đồng thời, diện tích rừng sản xuất của huyện ở vị trí đồi núi thấp nên thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát các hoạt động tuân thủ theo quản lý rừng bền vững. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp rà soát bản đồ, thực địa để mở rộng diện tích đăng ký cấp chứng chỉ, tiến tới thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung để hoàn thành các nội dung của quy trình FSC theo kế hoạch đã đề ra”.
Quá trình thực hiện phát triển rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC, ngoài sự quan tâm của địa phương, sự phối hợp liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người trồng rừng, ngành Kiểm lâm huyện cũng là một trong những lực lượng hỗ trợ tích cực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động.
Đồng chí Trần Quốc Toản – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đoan Hùng cho biết: “Nhận thức được hiệu quả từ việc sản xuất rừng theo tiêu chuẩn FSC đối với cuộc sống của người dân, chúng tôi coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đơn vị luôn phân công cán bộ phụ trách địa bàn đến từng lô, từng khoảnh để hướng dẫn chủ rừng thực hiện đúng các nguyên tắc, làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng, giải thích cho người dân hiểu rõ các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với chương trình này để người dân đồng thuận cao. Điều đáng phấn khởi là người trồng rừng rất quan tâm và chủ động, tích cực tham gia sản xuất rừng theo tiêu chuẩn mới. Tất cả đều mong muốn nâng cao năng suất, sản lượng trên đơn vị diện tích, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững”.
Trên cơ sở nhận thức được nhiều lợi ích mà trồng rừng FSC mang lại về kinh tế, thương hiệu doanh nghiệp, môi trường, xã hội… thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hỗ trợ người trồng rừng trong cấp chứng chỉ. Cùng với đó, nâng cao năng suất, giá trị gỗ rừng trồng đi đôi với bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rừng trồng, hình thành chuỗi sản phẩm từ rừng, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng trồng.
Lệ Oanh
Nguồn: https://baophutho.vn/day-manh-cap-chung-chi-quan-ly-rung-ben-vung-222026.htm