Đặng Minh Khiêm thi đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487). Ông giữ chức Thượng thư kiêm Sử quán Tổng tài và hai lần đi sứ Trung Quốc. Trong suốt quá trình làm quan, ông được người đời đánh giá có tài năng và phẩm chất cao đẹp.
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) – khoa Đặng Minh Khiêm đỗ Hoàng giáp.
Tuy nhiên các thư tịch có nhiều mâu thuẫn về quê quán cũng như năm sinh, năm mất của ông. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1782-1840) ghi quê ông ở xã Lãm Sơn, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh và mất năm 54 tuổi. Tác giả Trần Văn Giáp (1898-1973) trong sách “Lược truyện các tác gia Việt Nam” lại ghi Đặng Minh Khiêm nguyên người huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sau di cư ra Sơn Tây, ở làng Mạo Phổ, huyện Sơn Vị, sau ông chạy theo vua Chiêu Tông và mất ở Hóa Châu. Cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế thì ghi: “Đặng Minh Khiêm dòng dõi Đặng Tất. Nguyên tổ quán ở huyện Thiên Lộc (Can Lộc) Hà Tĩnh, sau đó ra xã Mạo Phổ, huyện Sơn Vị, Sơn Tây. Ông mất ở Hoá Châu, thọ trên 70 tuổi”…
Căn cứ vào các tài liệu nói trên, hiện nay khi tra cứu trên mạng internet, có nguồn ghi Đặng Minh Khiêm quê Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh; có người cho rằng ông bị nhà Mạc giết năm 1522…
Chúng tôi cho rằng các sĩ tử đi thi Hương, thi Hội thời phong kiến đều phải nộp tờ khai ghi rõ quê quán, gia đình. Vì vậy căn cứ vào các sách ghi những người Việt Nam thi đỗ đại khoa (từ Tiến sĩ đến Trạng nguyên) thì quê quán Đặng Minh Khiêm có thể rõ ràng, chính xác hơn.
Trong tác phẩm “Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919)” do Ngô Đức Thọ chủ biên, theo lời đề tựa thì đã tham khảo các sách viết về khoa cử Việt Nam thời phong kiến, như bộ sách về thi cử rất có giá trị “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” của các Tiến sĩ Nguyễn Hoản (1713-1792), Võ Miên ( ?-1782), Uông Sĩ Lãng (1733-1802) và Phan Trọng Phiên (1734-1809)…
Vì thế có thể tin tưởng cuốn sách này ghi quê quán của Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm là chính xác. Theo sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919)” thì Đặng Minh Khiêm quê ở xã Mạo Phổ, nay là xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, quê hương của Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm giờ đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Ảnh: TL
Các làng, xã Việt Nam qua nhiều thế kỉ nay đã thay đổi tên gọi, vị trí, thậm chí từ tỉnh này nay đã chuyển sang tỉnh khác. Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm có cụ Tổ là Đặng Tất ( ?-1409) ở thời nhà Hồ, cách Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm hàng thế kỷ. Vả lại không sách vở nào cho biết họ Đặng Tất Hà Tĩnh đã di cư ra Bắc từ bao giờ. Vì thế không thể xem nơi sinh của Đặng Hoàng giáp là Thiên Lộc, Hà Tĩnh như một số tác giả đã viết. Sau quá trình nghiên cứu, chúng tôi tán đồng với sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” về quê quán của Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm. Xã Lương Lỗ là địa danh hiện nay nằm trong huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Nên có thể khẳng định Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm sinh ra ở Thanh Ba, Phú Thọ bây giờ.
Nhưng tại sao ông lại mất ở Hoá Châu như sách Lịch triều hiến chương loại chí chép? Sử sách cho biết, khi ông đang giữ chức Thượng thư thì vua Lê Hiến Tông (1461-1504) mất. Theo di chúc thì Lê Thuần 17 tuổi, con thứ 3 của vua Lê Hiến Tông, mẹ là Nguyễn Thị Hoàn lên nối ngôi. Nhưng Nguyễn Thị Cận mẹ người anh là Lê Tuấn cho người đến đút lót Thượng thư Đặng Minh Khiêm để đưa con mình lên nối ngôi.
Ông nhất quyết không nghe. Lê Thuần lên ngôi, hiệu là Túc Tông, nhưng chưa đầy một năm thì mất. Lê Tuấn lên kế vị, lấy hiệu là Lê Uy Mục. Vốn thù hận Đặng Thượng thư không nhận đút lót để mình lên làm vua trước đó, nên Lê Uy Mục chuyển ông vào nhận chức ở Quảng Nam. Khi ông đi thuyền đến sông Chân Phúc, thuộc Hoá Châu (nay là tỉnh Nghệ An) thì Uy Mục cho lính đưổi theo bắt phải chết. Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm đã nhảy xuống sông tự vẫn vào năm 1506, chứ không phải mãi đến năm 1522 mới mất.
Như vậy, có thể khẳng định Đặng Minh Khiêm (1453-1506) là vị đại khoa nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ. Ông còn để lại một số bài thơ vịnh các nhân vật lịch sử của Việt Nam, trong đó có bài thơ chữ Hán “Hùng Vương” như sau :
Vương hầu tướng tướng tổng xưng Hùng.
Thập bát truyền lai vị hiệu đồng.
Tuế lịch thiên dư chi phái viễn.
Nhị Trưng hoàn hữu tổ uy phong.
Dịch nghĩa:
Vương hầu, quan văn, quan võ đều xưng hiệu là Hùng.
Truyền nối qua mười tám đời đều lấy chung một hiệu vua.
Kéo dài suốt hơn nghìn năm, chi phái dòng dõi thật lâu xa.
Cho đến thời Hai Bà Trưng vẫn còn sự oai phong của tổ tiên.
Dịch thơ :
Vương hầu văn võ đều tên Hùng.
Mười tám đời vua lấy hiệu chung.
Chi phái nghìn năm trường vẫn nhớ.
Oai hùng mãi đến Hai Bà Trưng.
Hương Nao
Nguồn: https://baophutho.vn/dang-minh-khiem-vi-dai-khoa-tai-duc-cua-dat-to-224065.htm