Những năm qua, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong Phong trào “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã được cấp ủy, chính quyền xã Đông Thành, huyện Thanh Ba phát huy, nhân rộng, nổi bật nhất là những mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế đã và đang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới tại địa phương.
HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thành, huyện Thanh Ba đầu tư máy sản xuất dầu lạc đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đảng ủy xã Đông Thành đã chỉ đạo khối dân vận xã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp để triển khai, nhân rộng như: Thành lập các hợp tác xã, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; hướng dẫn Nhân dân tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, vừa giúp nhau phát triển kinh tế, vừa xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách hiệu quả.
Mô hình trồng dưa của ông Vi Hữu Khương ở khu 8 là một trong những mô hình phát triển kinh tế được khối dân vận xã tuyên truyền, vận động gia đình tham gia. Tận dụng thời gian đất nghỉ sau khi canh tác vụ Chiêm, ông Khương đầu tư trồng gần 3ha dưa chuột giống Nhật. Năm đầu tiên, gia đình ông thu được 30 tấn dưa, trị giá gần 300 triệu đồng.
Ông Khương chia sẻ: “Lúc đầu gia đình tôi cũng gặp khó khăn vì đây là giống dưa mới, không biết có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương hay không, nhưng nhờ được tuyên truyền, vận động của khối dân vận xã cùng sự hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc từ nhà sản xuất, cung ứng giống nên gia đình tôi đã trồng thử, bước đầu đạt chất lượng. Năm nay tôi sẽ tiếp tục tham gia mô hình với mong muốn phát triển kinh tế gia đình đạt hiệu quả cao…”.
Xã Đông Thành hiện có trên 90ha diện tích đất trồng lạc với năng suất gần 21 tạ/ha. Năm 2021, nắm bắt được lợi thế đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thành đã lên ý tưởng đầu tư máy móc, sản xuất sản phẩm dầu lạc mang thương hiệu Dầu lạc Đông Thành, góp phần thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP.
Ông Chử Văn Tuấn – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thành cho biết: Từ những thuận lợi ban đầu cùng sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn, năm 2023, HTX đã đầu tư thiết bị sản xuất như máy ép dầu lạc, máy lọc dầu, máy đóng chai, tem nhãn sản phẩm… bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Năm 2024, HTX tiếp tục đầu tư máy ép dầu công suất lớn 50kg/h để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của Nhân dân, trung bình HTX ép được trên 6 tấn lạc/năm, đem lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Đến nay, sản phẩm dầu lạc Đông Thành đã được đầu tư sản xuất, có tem truy xuất nguồn gốc và đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Có thể thấy, khối dân vận xã Đông Thành đã tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia mô hình trồng lạc, trồng dưa, đảng viên trẻ phát triển kinh tế với mô hình trồng nho, chăn nuôi gà, lợn, trồng chè tím… góp phần đem lại hiệu quả tích cực.
Để tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển kinh tế, Đảng ủy xã chỉ đạo các tổ chức hội duy trì tốt các tổ tín chấp vay vốn từ các nguồn khác nhau; thường xuyên tập huấn khoa học kỹ thuật, tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, kinh doanh cho các hộ dân.
Khối dân vận của xã và các tổ dân vận đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình kinh tế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời liên kết cùng chia sẻ kinh nghiệm, lựa chọn mô hình phù hợp, tìm kiếm thị trường, đầu mối tiêu thụ để cùng nhau phát triển…
Đồng chí Vi Văn Phúc – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Thành cho biết: Công tác dân vận đã được khối dân vận xã chủ động, tích cực triển khai sâu rộng tới các tầng lớp Nhân dân. Thông qua các mô hình, người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu, chú trọng phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, cho thu nhập cao, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 52 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8%, xã đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.
Linh Nguyễn
Nguồn: https://baophutho.vn/dan-van-kheo-gop-phan-phat-trien-kinh-te-216198.htm