Phú Thọ là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những món ăn truyền thống được chế biến theo phong cách riêng của dân tộc mình; điều đó tạo ra cho ẩm thực vùng Đất Tổ phong phú, đa dạng và hấp dẫn.
Ngày nay, du khách ngoài việc tham quan, trải nghiệm hoặc vui chơi giải trí còn được thưởng thức những món ăn thổ sản đặc sắc của địa phương nơi mình đã đến. Đó là những món ăn mang đậm tính vùng miền và được chế biến đúng theo phương thức cổ truyền riêng. Làng cổ Hùng Lô – mảnh đất hơn 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô, cách Đền Hùng gần 5km đường chim bay. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận từ năm 1990. Tương truyền, đây vốn là nơi Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ ngơi trong một chuyến du ngoạn. Vua thấy nơi này trù phú, cây cối tốt tươi, lại có khí thiêng từ lòng đất bốc lên nên cho đây là chốn địa linh. Trên mảnh đất này, dân làng đã dựng miếu thờ Vua Hùng để đời đời tri ân công đức Vua Tổ. Đến thời vua Lê Hy Tông, đình được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh.
Người dân nơi đây, luôn có truyền thống giàu lòng mến khách. Sự hiếu khách được chủ nhà thể hiện qua những món ăn truyền thống của vùng, miền ven sông Lô, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến một món ăn dân dã “Gỏi cá Chép sông Lô”. Ai đã một lần trong đời được thưởng thức món ăn này chắc hẳn đều ấn tượng bởi vị bùi, giòn, ngọt mang đậm chất quê.
Nguyên liệu để chế biến món ăn này hết sức đơn giản nhưng quy trình chế biến thì vô cùng công phu, phức tạp. Việc đầu tiên là phải chọn lựa cá, cá làm gỏi phải là loại cá chép sông Lô, vì loại cá này khi sống ở môi truờng tự nhiên rộng lớn bao giờ thịt cũng thơm và săn chắc. Trọng lượng trung bình mỗi con từ 1,5 đến dưới 3kg là vừa, vì cá to xương sẽ cứng, thịt dai; còn cá nhỏ thì thịt sẽ mủn, nhũn khó làm.
Trước tiên, cá được rửa sạch, bóc mang và chặt hết vây, đánh sạch vẩy, không được rửa lại bằng nước lã. Sau đó, cá được lọc phần thịt 2 bên lườn. Lựa đưa mũi dao sắc nhọn lách từng lát thịt khỏi các đoạn xương rồi thả vào một chiếc chậu chứa nước pha muối và dấm để ngâm khoảng 10 phút cho hết mùi tanh của cá. Những miếng thịt trắng, điểm phớt hồng sau khi vớt ra được lau khô bằng vải sạch rồi bọc trong từng tờ giấy mỏng để tiếp tục thấm khô. Khi thịt cá đã khô nước, đem ra thái thành từng lát vừa phải, trộn đều với nước gừng tươi ép nguyên chất và giềng tươi thái nhỏ, cho thêm chút lá chanh và muối trắng, tiếp tục trộn đều cùng với thính gạo rang giã nhỏ.
Bước tiếp theo là làm nước sốt, món ăn kèm với cá. Nguyên liệu để làm món này phải là cá chuối hoa. Thịt cá lọc thành miếng thái nhỏ. Xương cá chuối và xương cá chép đã lọc thịt đưa vào cối giã nhỏ, lọc bỏ hết bã, sau đó cho vào nồi đất ninh cùng thịt cá chuối hoa cho tới khi đặc sánh là được.
Nước cho vào nồi ninh là nước hỗn hợp gồm có nước lã lấy từ giếng đá, mật mía de, một ít mẻ chua và ít muối trắng có tỷ lệ phù hợp. Dùng bếp củi đun nhỏ lửa và phải chú ý để nồi nấu không bị cháy. Đây mới là cốt lõi để toát lên những giá trị tinh hoa đặc sắc của món gỏi cá Hùng Lô.Bước cuối cùng của quy trình là chuẩn bị rau thơm.
Ở làng, trong vườn của gia đình nào cũng luôn có sẵn một số loại cây ăn trái, đặc biệt là rau thơm, rau để ăn kèm với cá. Các loại rau thơm này vừa là rau ăn đồng thời còn là vị thuốc nam có tác dụng chữa một số bệnh thông thường về đường ruột theo kinh nghiệm dân gian. Rau thơm có nhiều loại, bao gồm: Lá võng cách, lá mơ tam thể, cúc tần, búp ổi, đinh lăng, mùi tàu, xương sông, lá lốt, lá và quả sung, bi chuối, quả chuối xanh, củ hành, húng dũi… với đủ vị cay, chua, chát, ngọt, bùi đều được hái từ trong vườn nhà.Khi tất cả công việc hoàn thành. Cá được trình bày lên đĩa, múc nước sốt ra bát, lá rau thơm để vào kề bên. Trong mâm, thêm bát nước chấm chanh ớt hoặc bát tương, đĩa muối trắng, củ hành thái lát mỏng…, tùy theo khẩu vị người ăn mà sử dụng.
Khi ăn ta có thể gói lá rau thơm cuốn cùng gỏi cá hoặc có thể lấy bánh đa nem để gói. Cách gói theo kiểu cuốn như làm bánh Ót (bánh tò te). Theo khẩu vị người ăn mà cuốn các loại rau và lượng cá cho phù hợp, cuốn vừa ăn từng miếng một. Cuốn xong lấy thìa múc nước sốt tưới lên trên cùng rồi gập lại, đưa vào miệng ăn. Tất cả hương vị cùng hòa tan, tạo nên những cảm xúc khó tả, kích thích từng vị giác.
Đầu tiên là vị bùi, thơm, hơi chát của các loại rau. Tiếp đến là độ giòn và ngọt của thịt cá. Thêm một chút cay cay của ớt quện với vị chua thanh và thơm của nước sốt cá. Thưởng thức Gỏi cá không đơn thuần chỉ là một món ăn ngon, bổ, mà món ăn này còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa, nó như sự hội tụ đầy đủ những hương vị tinh ngon nhất của đất, của trời ban tặng cho người dân nơi đây.
Đĩa gỏi cá lại được bầy lên trên chiếc mâm ăn cơm bằng gỗ cùng với chai rượu trắng (rượu nấu Hùng Lô), tỏa men cay nồng, cùng với những người bạn tri kỷ hàn huyên tâm sự, thì quả là vô cùng thú vị.
Trong cuộc sống đương đại, bên cạnh những nỗi lo toan, bộn bề công việc, có gì hơn khi được tận hưởng những giây phút thư giãn, được đắm mình trong một không gian văn hóa yên bình, được tận hưởng không khí của một vùng quê đầm ấm, bên dòng sông Lô nước chảy trong xanh, nghe những làn điệu dân ca Xoan đằm thắm đắm say lòng người, được thưởng thức những món ăn truyền thống từ ngàn xưa như: Bánh chưng, bánh giầy, gỏi cá chép, bún mì gạo, rượu đế… Hùng Lô thì “Dù ai đi đâu về đâu. Cũng luôn nhớ về Đất Tổ”. Nhớ những món ăn tuy đơn sơ mộc mạc, nhưng nó đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của một làng quê truyền thống Việt Nam.