Trung thu trong hồi ức là mùa Trung thu đẹp nhất. Trăng của tuổi thơ là mùa trăng sáng nhất. Chúng ta thường nhắc tới Tết Trung thu bằng sự hoài niệm xen lẫn chút băn khoăn về việc Tết Trung thu ngày nay đang dần mất đi giá trị truyền thống xưa cũ… Nhưng suy cho cùng, Trung thu của người già hay người trẻ đều giống nhau ở những màu sắc lung linh khi nhìn lại ký ức.
“Mâm cỗ Trung thu bấy giờ đơn giản, ít ỏi. Một quả hồng cắt làm đôi, hai người ăn còn thòm thèm. Bánh trung thu nhân thập cẩm truyền thống mỗi người chỉ được một miếng nhỏ. Thời bấy giờ vui vì tinh thần chủ yếu, vật chất không có nhiều đâu, nghèo lắm!”.
Gọt quả hồng được cháu gái mua cho, bà Nguyễn Thị Nhung (xã Cao Xá, Lâm Thao) vừa kể cho chúng tôi nghe về những mùa trăng xưa cũ. Theo nhịp kể của bà, ký ức cũng như một quãng phim chợt ùa về…
Năm 1955, xã Cao Xá thời ấy nghèo khó, thiếu thốn vô cùng nhưng đối với bà Nhung, Trung thu nơi đây lại vui và ý nghĩa. Bà Nhung còn nhớ như in trước Rằm tháng Tám mấy ngày, bọn trẻ con trong xóm được bố mẹ làm cho chiếc đèn ông sao 5 cánh. Lấy tre làm khung, lấy giấy nilon đủ sắc màu dán xung quanh để được một chiếc đèn ông sao mang đi rước.
“Rồi đến tối hôm rằm, khi trẻ con trong xóm tập trung đông đủ, chúng tôi nối đuôi nhau, tay cầm đèn ông sao đi rước đèn từ đầu ngõ đến cuối ngõ, vừa đi vừa thi nhau hát vang bài ca:
Và có lẽ luôn hoài niệm về mùa tết thiếu nhi xưa cũ nên dù tuổi đã cao, bà Nhung cũng chẳng bao giờ quên sắp một mâm cỗ cho con cháu vào ngày này. Đối với bà, cảm giác được trải chiếu ra giữa sân, chuẩn bị một mâm cỗ có đầy đủ: Quả hồng, quả bưởi, bánh trung thu, bánh kẹo… rồi cùng với con cháu vui vẻ, quây quần phá cỗ thật hạnh phúc đến nhường nào!
Trái với vẻ lặng lẽ ngồi trên ghế đá ở công viên, khi được hỏi về mùa Trung thu trong ký ức xưa, ông Nguyễn Việt An (phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) đã hào hứng, kể lại cho chúng tôi nghe. Trong giây phút nào đó, ánh mắt ông ánh lên niềm vui trẻ thơ thuở thiếu thời.
Ông An vẫn nhớ như in đêm trăng Trung thu của ngày xưa. Ngày ấy, trăng sáng, tròn và to, không bị những tòa nhà cao tầng như bây giờ che khuất. Những năm bao cấp, ngôi làng gia đình ông ở không có điện, bóng tối bao trùm ngõ xóm, ánh đèn dầu le lói sau mỗi khung cửa sổ không đủ để soi sáng được con đường nhỏ.
Sau khi phá cỗ xong, ông An cùng đám trẻ con trong làng sẽ bày cho nhau chơi những trò chơi dân gian như: Đuổi bắt, trốn tìm, dung dăng dung dẻ, đánh trận giả… Khi nô đùa mệt, họ ngồi xuống, thi nhau giải câu đố, kể chuyện, mãi đến khi trăng lên cao, sương xuống mới bảo nhau đi về.
Và có lẽ, với những người đã đi gần hết cuộc đời, không phải tiền bạc, danh vọng, mà chính cái tình, những dịp sum vầy mới là điều đáng quý.
Hành trình tìm về kỷ niệm Trung thu kết thúc khi chúng tôi có cuộc gặp gỡ hai cô gái Minh Phượng và Ngọc Ánh đang chọn mua đồ tại một cửa hàng bán đồ chơi Trung thu ở thành phố Việt Trì. Không nhiều chiêm nghiệm như người lớn tuổi, họ có cái nhìn ít đượm buồn, lạc quan hơn khi hồi tưởng về Trung thu thời thơ ấu.
“Rồi khi mình lên cấp 2, mình ấn tượng với chiếc mặt nạ ông Địa và chiếc mũ đội đầu của công chúa Hàm Hương, Hoàn Châu Cách Cách… Được bố mẹ mua chiếc mũ đội đầu của công chúa Hàm Hương, mình dùng đến khi rách mới bỏ. Nãy giờ đi tìm mua đèn cù cho bé nhà mình chơi nhưng giờ họ không còn bán nữa vì chẳng còn ai tìm mua”.
Còn đối với Ngọc Ánh – cô bạn thuộc thế hệ gen Z đang tranh thủ chụp ảnh để lưu lại những bức hình đẹp trong mùa trăng rằm. Trung thu trong ký ức của cô bạn này là tiếng trống dồn vang của đoàn múa lân, hình ảnh trẻ con nô nức đeo chiếc mặt nạ ông Địa, chú Cuội, tay cầm đèn ông sao, đèn lồng hình con cá đi rước đèn quanh khu xóm. Là một chiếc bàn dài chứa đầy bánh kẹo, trẻ con thích thú khi ngồi phá cỗ trông trăng, là cảm giác hay hồi hộp chờ đợi bố mẹ mua cho món đồ chơi, tấm quà bánh.
“Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống với nhân lạp xưởng, xá xíu, hạt bí, mỡ muối đậm hương hoa bưởi đã in sâu vào tiềm thức là điều mà ai cũng trân quý. Phải ăn miếng bánh truyền thống, mới thấy Trung thu thực sự đang về. Mẹ mình bảo vậy!” – Ngọc Ánh vui vẻ chia sẻ.
Hiện nay, giới trẻ cũng đang có xu hướng tìm về những điều xưa cũ. Đó là những buổi phá cỗ trông trăng, là những đèn ông sao 5 cánh đôi khi cầm vào làm đỏ cả bàn tay…
Thời gian trôi qua, mùa trăng rằm cũng dần thay đổi nhưng trong nhịp sống hối hả của thời hiện đại, Tết Trung thu vẫn là dịp lễ quan trọng và mang đậm nét văn hoá cổ truyền của người Việt, góp phần lưu giữ những giá trị tốt đẹp, gắn kết mọi người lại gần nhau hơn, là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu về ngày Tết đặc biệt của tuổi thơ.
Bảo Thoa
Nguồn: https://baophutho.vn/co-mua-trang-sang-trong-ky-uc-219008.htm