Tín chỉ các-bon rừng là tín chỉ được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính (KNK) bao gồm: Giảm mất rừng, suy thoái rừng (REDD+); tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật (ARR) và hoạt động tăng cường quản lý rừng (IFM). Phát triển các dự án tín chỉ các-bon rừng là cơ hội lớn cho các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi mà nhu cầu đối với loại hình tín chỉ này đang rất lớn trên thị trường các-bon.
Người dân huyện Tân Sơn tiếp thu kỹ thuật tỉa cành, chăm sóc để chuyển hoá rừng cây gỗ lớn, tạo tiền đề tham gia thị trường bán tín chỉ các-bon.
Tỉnh ta có khoảng 55% diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, tương đương 170.000ha, tỷ lệ che phủ đạt gần 40%. Phú Thọ là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 5 của vùng Trung du, miền núi phía Bắc (theo Quyết định số 816/QĐ-BNN ngày 20/3/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Hiện rừng Phú Thọ cũng được đánh giá là bể chứa các-bon lớn. Đây là nguồn lực mới, đóng góp cho việc bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao đời sống người trồng rừng, tạo tiền đề phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng thời cũng là lợi thế để tỉnh thu hút đầu tư xanh.
Phú Thọ đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển lâm nghiệp bền vững để sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon. Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phú Thọ đã xác định nhiệm vụ đối với ngành Lâm nghiệp là duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh 38-39%; rà soát, điều chỉnh diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng; chú trọng bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; khoanh nuôi nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng; phát triển rừng trồng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC) gắn với chế biến sâu; nâng cao chất lượng rừng trồng, nhất là trồng rừng gỗ lớn; bảo tồn và sử dụng có hiệu quả các khu rừng đặc dụng văn hóa, di tích lịch sử; thực thi hiệu quả, đầy đủ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và tín chỉ các-bon…
Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1466/KH-UBND ngày 13/4/2021 về trồng cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh phân tán giai đoạn 2021-2025”; kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, xác định rõ, phát triển lâm nghiệp bền vững dựa trên diện tích rừng hiện có; khai thác, sử dụng hiệu quả diện tích rừng sản xuất; phát huy hiệu quả bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, giảm thiểu tác động của thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Kết quả kiểm kê rừng của ngành Lâm nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1338/QĐ-UBND ngày 7/6/2016 về phê duyệt kết quả kiểm kê rừng, toàn tỉnh có trên 126.000ha đất có rừng, đây là những diện tích rừng có thể hấp thụ CO2 nhiều nhất…
Đồng chí Hoàng Anh Vũ – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn cho biết: “Rừng Tân Sơn nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung có tiềm năng tạo ra nhiều tín chỉ các-bon. Việc bán tín chỉ các-bon rừng sẽ giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải. Với các chủ rừng, nông dân sẽ nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ. Thời gian tới, huyện tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; duy trì độ che phủ rừng để sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ các-bon…”.
Không chỉ riêng Tân Sơn, các địa phương toàn tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển, sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của rừng; nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy giá trị của từng loại rừng…
Lệ Oanh
Nguồn: https://baophutho.vn/co-hoi-cho-bao-ve-phat-trien-rung-218419.htm