Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị, hướng tới NTM thông minh.
Người dân quét mã QR thực hiện thanh toán lệ phí tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn.
Nội dung chuyển đổi số trong xây dựng NTM tập trung vào phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở nông thôn. Trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã triển khai nhiều mô hình, chương trình hoạt động về chuyển đổi số ở nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện. Hiện tại, 100% đơn vị hành chính cấp xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng.
Các tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang phát huy tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở, đưa công nghệ số đến với mọi tầng lớp Nhân dân.
Các địa phương đã tăng cường thu hút nguồn lực xã hội hóa trong phát triển hạ tầng số, kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn, bản, nhất là hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao, hạ tầng mạng di động 4G/5G… nhằm nâng cao chất lượng, năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân, phục vụ cho chuyển đổi số. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt hơn 85%, tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt trên 79%. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến ở cấp xã đạt trên 75%.
Với nền tảng đã đạt xã NTM nâng cao và kiểu mẫu nên xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao có những thuận lợi nhất định trong chuyển đổi số xây dựng NTM. Xã đã hoàn thành gắn mã QR Code tại trụ sở UBND xã, các trường học, nhà văn hóa khu dân cư và các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh. Đồng thời trong thực hiện thủ tục hành chính, công tác chuyển đổi số được chú trọng.
Đồng chí Phạm Văn Ánh – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Bên cạnh việc tra cứu thủ tục hành chính tại bảng niêm yết truyền thống tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã, người dân, tổ chức, cá nhân có thể sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet để quét mã QR-Code tra cứu nhanh thông tin về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết thủ tục. Việc niêm yết tra cứu thông tin thông qua mã QR Code giúp người dân tăng cường khả năng khai thác thông tin trên môi trường điện tử cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến”.
Trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng Mobile Money với ưu điểm chỉ cần có số điện thoại di động đã được xác thực thông tin người dùng, chủ thuê bao có thể thanh toán hầu hết các dịch vụ có liên kết với nhà mạng mà không cần có tài khoản ngân hàng, không cần kết nối internet phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, nhất là khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh có trên 297.000 tài khoản Mobile Money được kích hoạt, có khoảng 5.800 điểm chấp nhận thanh toán qua dịch vụ Mobile Money, góp phần tạo thuận lợi cho người sử dụng.
Trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phần mềm truy xuất nguồn gốc tại địa chỉ http://phutho.idfood.net và ứng dụng “Agritech – Chuỗi nông nghiệp số” trên thiết bị di động, phục vụ cho truy xuất nguồn gốc gắn với thương mại điện tử cho các cơ sở, chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi số trong xây dựng NTM mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 836-KH/UBND, ngày 15/3/2023 về triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Một số giải pháp trọng tâm được đề ra: Đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng và dữ liệu số; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số…
Tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Nguyễn Huế
Nguồn: https://baophutho.vn/chuyen-doi-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi-220217.htm