Chuyển đổi số đã và đang “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Xác định đây là xu hướng tất yếu, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) ở các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai ứng dụng số, đưa dịch vụ ngân hàng phục vụ kịp thời, hiệu quả đến người dân, góp phần vào thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Ngân hàng CSXH thị xã Phú Thọ hướng dẫn người dân thực hiện chuyển tiền qua ứng dụng Mobile Banking
Chị Nguyễn Thị Hiền – Khu dân cư Nguyễn Du, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ được vay vốn từ Chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Vợ chồng chị Hiền là thợ may, gánh nặng nuôi hai con ăn học cùng với mẹ già khiến cho mơ ước về ngôi nhà xây kiên cố dường như mãi xa vời. Qua công tác tuyên truyền, biết đến chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội của ngân hàng CSXH với lãi suất ưu đãi, chị đã mạnh dạn vay 250 triệu đồng để làm nhà ở.
Được cán bộ Ngân hàng CSXH thị xã Phú Thọ đến nhà hướng dẫn cài đặt, sử dụng dịch vụ Mobile Banking. Thấy được sự tiện lợi, chị Hiền cho biết: “Qua ứng dụng này trên điện thoại di động, tôi có thể biết được số kỳ đóng gốc, lãi khoản vay của mình, chuyển tiền đóng lãi mà không cần phải ra ngân hàng và cũng có thể nắm bắt được các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các hộ chính sách khác”.
Giao diện ứng dụng dễ hiểu, dễ sử dụng cùng nhiều tiện ích
Ứng dụng Mobile Banking được cán bộ tổ giao dịch xã tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng những tính năng mới như: Mua sắm Vn Shop, quản lý trạng thái đơn hàng, tra cứu lịch sử mua sắm, dịch vụ đặt phòng khách sạn, VNPay Taxi, dịch vụ nạp phí giao thông,… Hạ tầng công nghệ thông tin được hoàn thiện, tốc độ dịch vụ nhanh được khách hàng đánh giá ngang bằng với các ngân hàng thương mại.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Phú Thọ cho biết: “Hiện nay, địa bàn thị xã Phú Thọ có 389 khách hàng vay vốn và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng dịch vụ và thực hiện giao dịch qua ứng dụng Mobile Banking. Trong đó, 137 khách hàng vay vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội. Họ không những thường xuyên sử dụng Mobile Banking để thanh toán mà còn trả nợ các khoản lãi, gốc hàng tháng mà không phải đến trực tiếp ngân hàng, chỉ bằng các thao tác đơn giản trên điện thoại”.
Huyện miền núi Tân Sơn tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vượt khó, đạt được những kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đồng chí Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) khu 5, xã Tân Phú, chúng tôi đến thăm nhà bà Hà Thị Đèn. Năm 2020, bà được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng theo Chương trình phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Bà Đèn đã đầu tư trồng cây keo, cây chè, cải thiện đời sống gia đình. Năm 2022, gia đình bà Đèn thoát nghèo.
Tuy năm nay đã 62 tuổi nhưng bà Đèn cũng đã học hỏi nắm bắt được một số thao tác chuyển tiền trên ứng dụng Mobile Banking trên điện thoại. Mắt đeo kính, đôi bàn tay run run lần từng chữ cái nhập mật khẩu, bà Đèn cười móm mém: “Thực ra, tôi vẫn phải nhờ con cháu giúp đỡ nhiều đấy. Cái gì mình không biết thì mình học mà làm mãi sẽ quen”.
Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn hướng dẫn cho đối tượng người già, người cao tuổi sử dụng ứng dụng Zalo, Mobile Banking
Đồng chí Nguyễn Việt Tuấn – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn thông tin: “Đơn vị đã tích cực triển khai các ứng dụng số tới người dân bằng nhiều hình thức, phù hợp với đặc thù của các địa phương, triển khai bắt đầu từ đội ngũ cán bộ Ngân hàng CSXH, cán bộ hội, đoàn thể ủy thác các cấp và các Tổ TK&VV. Sau khi trải nghiệm các tính năng trên ứng dụng, ngân hàng tiếp tục tuyên truyền, vận động khách hàng vay vốn đăng ký dịch vụ, mở tài khoản, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ, phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ, trực tiếp giải đáp cho khách hàng và xử lý các nghiệp vụ phát sinh theo quy định”.
Trong thời gian tới, để tăng số lượng khách hàng và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể ủy thác các cấp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khách hàng về các dịch vụ qua điện thoại di động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm bắt thực tế việc triển khai hướng dẫn đến Ban quản lý Tổ TK&VV, hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã cách thức đọc, hiểu nội dung tin nhắn cũng như hướng dẫn thực tế khách hàng đọc, hiểu nội dung tin nhắn do Ngân hàng CSXH gửi. Tiếp tục theo dõi, rà soát, kịp thời cập nhật số điện thoại của khách hàng khi có thay đổi, khách hàng mới chưa đăng ký dịch vụ. Định kỳ tại Điểm giao dịch xã hàng tháng, trong cuộc họp giao ban, tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa các ứng dụng số của Ngân hàng CSXH.
Công tác triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách sẽ giúp minh bạch hóa các giao dịch tín dụng chính sách góp phần giúp thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp, lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng CSXH và tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác nắm bắt được hiệu quả trong quá trình hoạt động, giám sát, quản lý, điều hành tín dụng chính sách xã hội.
Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính của Ngân hàng CSXH, góp phần nâng cao hiểu biết tài chính, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách, cũng như tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng.
Thùy Trang
Nguồn: https://baophutho.vn/chuyen-doi-so-mo-duong-cho-tin-dung-chinh-sach-220371.htm