Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có Công văn só 182/SNN-CNTY đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các phòng, đơn vị liên quan chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong vụ Đông xuân 2024 – 2025.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn, đơn vị chuyên môn tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện một số biện pháp như sau: Sửa chữa, gia cố chuồng trại, giữ khô nền chuồng, che chắn kín để tránh gió lùa, mưa hắt; giữ ấm cho đàn vật nuôi; trong những ngày rét đậm, rét hại không chăn thả vật nuôi, không cho gia súc làm việc, đồng thời bổ sung thêm thêm thức ăn tinh, vitamin, khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi; dự trữ đầy đủ thức ăn; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi; định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi; chủ động giám sát chặt chẽ các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục, Lở mồm long móng, bệnh Dại,… nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh.
Thành lập các tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, báo cáo công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, chú trọng đến các địa phương chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết cực đoan như: các xã vùng núi cao, các xã có tập quán chăn nuôi thả rông gia súc; chủ động lồng ghép các nguồn kinh phí của địa phương để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.
Thông tin, tuyền truyền kịp thời về diễn biến tình hình thời tiết, các biện pháp, kinh nghiệm phòng chống đói, rét và dịch bệnh đến người chăn nuôi; tránh tâm lý chủ quan, lơ là, bị động trước diễn biến thời tiết cực đoan, dịch bệnh phức tạp nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại và dịch bệnh trên đàn vật nuôi. các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả phương án phòng chống đói, rét, thiên tai, các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn đã ban hành.
Thống kê số lượng vật nuôi bị chết rét (nếu có), báo cáo về cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh theo quy định.
Tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành, thị phân công cán bộ phụ trách địa bàn, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; chủ động giám sát dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, trị các loại bệnh truyền nhiễm; xử lý vật nuôi bị chết do đói, rét, dịch bệnh tránh trường hợp bán chạy làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh gây thiệt hại về kinh tế.
Trung tâm Khuyến nông tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp, kinh nghiệm phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi như: Sửa chữa, gia cố chuồng trại; chế biến, dự trữ thức ăn; chăm sóc nuôi dưỡng; nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi,… để các hộ chăn nuôi biết, áp dụng thực hiện.
Văn Lang
Nguồn: https://baophutho.vn/chu-dong-phong-chong-doi-ret-dich-benh-cho-dan-vat-nuoi-vu-dong-xuan-222535.htm