Những năm gần đây, mô hình trồng cây mắc ca lấy hạt của của gia đình ông Lê Xuân Cương, khu 3, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế tích cực, mở ra hướng đi mới và phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo ra sản phẩm nông sản mới cho địa phương. Đây cũng là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh trồng thành công cây mắc ca lấy hạt với chất lượng thơm ngon.
Gia đình ông Lê Xuân Cương đầu tư máy tách vỏ, phân loại hạt mắc ca
Ông Lê Xuân Cương chia sẻ: “Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết đến cây mắc ca. Sau quá trình tìm tòi, tích lũy kiến thức, đến tháng 9/2011 tôi mạnh dạn mua 200 cây mắc ca của Trung tâm nghiên cứu giống cây lâm nghiệp ở Ba Vì, Hà Nội về trồng trên diện tích 6.000m2 tại khu vực đồng Đường. Đến năm thứ 3, cây bắt đầu cho quả, năm thứ 6 cho quả ổn định. Quả mắc ca có hàm lượng dinh dưỡng cao, để được lâu, không sợ bị hư hỏng, giá bán cao, được thị trường ưa chuộng”.
Để tạo điều kiện cho mô hình phát triển, các ngành, đơn vị, cán bộ chuyên môn của huyện, xã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và đồng hành giúp gia đình ông thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế và bảo quản mắc ca do Bộ NN&PTNT đã ban hành, tuân thủ quy trình sản xuất mắc ca theo hướng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…), nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm mắc ca chất lượng, an toàn.
Cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, bước đầu phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương
Đồng chí Vương Văn Ưng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại cho biết: “Cây mắc ca bước đầu cho thấy phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn minh, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế và tạo những sản vật đặc trưng, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”.
Sau khi nắm vững kỹ thuật, cách chăm sóc để cây ra nhiều quả, ông Cường tiếp tục mua thêm 100 cây giống về trồng. Đến nay, cây mắc ca trồng của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt trên diện tích 1,5ha với tổng số hơn 300 cây, trong đó có gần 200 cây đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi cây cho thu hoạch 10kg hạt khô, với giá bán 250.000 – 300.000 đồng/kg hạt sấy nứt vỏ, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Sản phẩm hạt mắc ca của gia đình hiện không đủ cung cấp cho thị trường, mô hình trồng cây mắc ca được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, làm theo.
Xã Vĩnh Lại đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đăng ký sản phẩm hạt mắc ca đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với thực hiện trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, ông Cương đã đầu tư một số thiết bị, máy móc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sơ chế, chế biến ban đầu như máy tách vỏ quả, phân loại hạt, máy sấy hạ ẩm, sấy hạt, khía hạt…
Đồng chí Đặng Thị Thu Hiền – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lâm Thao cho biết: “Huyện định hướng xây dựng sản phẩm hạt mắc ca của xã Vĩnh Lại đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trong năm 2024; hỗ trợ cho xã một số trang thiết bị về máy móc, cơ sở vật chất, cây giống… để mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm”.
Với hiệu quả mang lại của mô hình, xã Vĩnh Lại đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đăng ký sản phẩm hạt mắc ca đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm nay, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm nông sản của địa phương.
Ngọc Lam
Nguồn: https://baophutho.vn/cay-mac-ca-tren-dat-vinh-lai-216817.htm