Khu Di tích Lịch sử đền Hùng (đền Hùng), thành phố Việt Trì, nằm trên diện tích 1.030 ha. Nơi đây có 4 điểm tham quan chính: đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân trên núi Sim, đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, bảo tàng Hùng Vương và đền thờ các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (núi Hùng).
Di chuyển
Khu di tích cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía bắc, cách thủ đô Hà Nội 90km. Từ Hà Nội, du khách có thể đến bằng đường bộ theo quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai.
Các hoạt động chính dịp giỗ Tổ 2024
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại đền Hùng. Năm nay, ngày lễ diễn ra vào 18/4 Dương lịch nhưng các hoạt động được kéo dài từ 9 đến 18/4.
Địa điểm: Tại thành phố Việt Trì, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị, thành trong tỉnh.
I. Phần lễ
1. Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 14/4 (ngày 6/3 Âm lịch).
2. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” ngày 18/4 (ngày 10/3 Âm lịch).
3. Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ từ ngày 09/4 – 13/4 (1-5/3 Âm lịch).
Các nghệ nhân hát Xoan tại làng cổ Hùng Lô. Ảnh: Phương Anh
II. Phần hội
1. Chương trình Khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 (8h ngày 9/4 tại Sân khấu Trung tâm lễ hội, Khu di tích lịch sử Đền Hùng).
2. Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hội tụ non sông” và bắn pháo hoa tầm cao (20h15 ngày 17/4 tại Sân khấu phía Nam – Công viên Văn Lang/Cầu đi bộ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì).
3. Hội trại văn hóa và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm (từ ngày 9-18/4/2024 (ngày 1-10/3 Âm lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
4. Trưng bày hiện vật, di sản tư liệu thế giới, sách báo, tư liệu ảnh (tại Thư viện tỉnh Phú Thọ; Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì và Bảo tàng Hùng Vương, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (9 – 18/4, tức ngày 1-10/3 Âm lịch).
5. Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy (8h ngày 16/4, tức ngày 8/3 Âm lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
6. Trưng bày hoa Lan nghệ thuật (13 – 18/4, tức từ ngày 5-10/3 Âm lịch tại Ngã 5, Đền Giếng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
7. Trình diễn hát Xoan làng cổ (14 – 18/4, tức từ ngày 6 – 10/3 Âm lịch tại Đình An Thái, Miếu Lãi Lèn, Đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì).
8. Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì Livemusic” và các hoạt động văn hóa về đêm (9 – 17/4, tức ngày 1-9/3 Âm lịch tại Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì).
9. Triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Quê hương, đất nước, con người Phú Thọ” (14 – 18/4, tức từ ngày 6 – 10/3 Âm lịch. Khai mạc 9h ngày 14/4, tức ngày 6/3 Âm lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
10. Hội chợ Thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP Phú Thọ (12 – 18/4, tức ngày 4 – 10/3 Âm lịch tại sân Quảng trường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì).
11. Các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống (từ ngày 14 – 18/4, tức từ ngày 6/3 đến hết ngày 10/3 Âm lịch; sáng từ 8h, chiều từ 14h tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
12. Chương trình nghệ thuật Hội Xoan – Miền Di sản (20h ngày 14/4, tức ngày 6/3 Âm lịch tại Sân khấu Trung tâm lễ hội và Khu vực trước Nhà đón tiếp khách, Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng).
13. Chương trình nghệ thuật Biểu diễn dân ca và một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận; Hội Xoan – Miền di sản (từ ngày 14 – 15/4, tức ngày 6 – 7/3 Âm lịch).
14. Khánh thành Bức Phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” (9h ngày 08/4, tức ngày 30/2 Âm lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
Đền Hùng kín người dịp giỗ Tổ.
Các điểm tham quan
Đền thờ vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh được xây trên núi có độ cao 175m. Tương truyền, núi Nghĩa Lĩnh là chiếc đầu rồng hướng về phía nam, mình rộng uốn khúc thành núi Vặn, Trọc. Núi Vặn cao 170m, núi Trọc nằm giữa cao 145m. Theo truyền thuyết, ba đỉnh được gọi là “tam sơm cấm địa”, được người dân coi như ba đỉnh núi thiêng.
Cổng đền
Trước khi lên đền, du khách phải đi qua cổng đền, đây chính là điểm bắt đầu của chuyến hành hương về thăm vùng đất Tổ, nơi đất gốc phát tích của dân tộc Việt Nam.
Cổng được trang trí theo lối kiến trúc mái vòm, trên nóc có trang trí họa tiết lưỡng long chầu nguyệt. Cổng gồm 2 tầng, cao 8,5m rộng 4,5m. Chính giữa cổng đền trên cao là bức đại tự gồm 4 chữ Hán: Cao sơn cảnh hành (Núi cao đường lớn).
Đền Hạ
Đền được xây dựng từ thế kỷ 17 đến 18, trải qua nhiều đợt trùng tu (gần nhất năm 2011) nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu. Ngôi nhà có 2 tòa, phía trước là nhà tiền tế và tòa phía sau là hậu cung. Hậu cung là nơi đặt thờ các long ngai bài vị thờ thần núi, thờ các vua Hùng và công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa.
Đền Hạ tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai. Vì gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ nên về đền Hạ người dân thường cầu nguyện những điều may mắn, tốt đẹp về đường con cái và gia đình, việc sinh nở được vẹn toàn vì quan niệm Mẫu là người bảo trợ cho mẹ tròn con vuông.
Ngay chân Đền Hạ là Nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trong nhà bia hiện nay đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm ngày 19/9/1945: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Giếng cổ
Ngay phía sau đền Hạ là giếng Cổ (giếng Rồng). Tương truyền đây là nơi mẹ Âu cơ đã lấy nước tắm cho các con.
Chùa Thiên Quang
Tên chùa có nghĩa là ánh sáng từ trên trời chiếu rọi. Tương truyền nơi đây khi Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, tại vị trí của chùa có luồng ánh sáng chiếu thẳng từ trên trời xuống. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18-19, thời nhà Trần. Chùa Thiên Quang thờ Phật theo phái Đại thừa. Hiện trong chùa còn giữ 32 pho tượng Phật bằng gỗ được sơn son thiếp vàng.
Trước cửa chùa có cây vạn tuế ba ngọn khoảng 800 tuổi. Ba ngọn tỏa ra 3 hướng tượng trưng cho 3 miền Bắc – Trung- Nam. Ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi tại gốc cây vạn tuế đó để nghe đồng chí Thanh Quảng, Chánh văn phòng Quân ủy TW và Song Hà, Chính ủy đại đoàn quân tiên phong báo cáo tình hình cũng như kế hoạch tiếp quản Hà Nội.
Đền Trung
Sau khi bước qua 159 bậc đá, du khách đến đền Trung nằm lưng chừng núi. Đền Trung có tên chữ là “Hùng Vương tổ miếu” hay miếu thờ tổ vua Hùng. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng thường cùng với các lạc hầu, lạc tướng bàn việc nước.
Vào đời Hùng Vương thứ 6, đây cũng là nơi diễn ra cuộc thi tìm người tài để trị vì đất nước. Hoàng tử út Lang Liêu chiến thắng nhờ làm ra món bánh chưng, bánh giày tượng trưng cho trời tròn đất vuông. Vua Hùng khen bánh ngon, ý hay nên đã truyền ngôi. Lang Liêu thành Hùng Vương thứ 7.
Đền Thượng
Từ đền Trung, đi khoảng 100 bậc sẽ đến đền Thượng, nằm ở vị trí cao nhất trên núi. Đền có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện, nghĩa là điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền, đây là nơi vua Hùng thường lập đàn tế trời cầu quốc thái dân an. Đây cũng là địa điểm chính diễn ra các nghi thức quan trọng nhất trong ngày giỗ Tổ.
Cột đá thề
Nằm bên trái đền Thượng là cột đá thề. Qua năm tháng, cột đá bị vùi lấp và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép phục dụng, để con cháu hiểu được lời thề của tổ tiên. Tương truyền vào đời Hùng Vương thứ 18, vua Hùng không có con nối dõi đã nghe theo lời khuyên của con rể Tản Viên, truyền ngôi cho người cháu họ là Thục Phán. Thục Phán đã cho dựng cột đá, chỉ tay lên trời thề rằng: Nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi. Thục Phán sau khi lên ngôi lấy hiệu là An Dương Vương, đặt tên nước là Âu Lạc, dời đô vào Cổ Loa.
Lăng Hùng Vương
Tương truyền đây là mộ của vua Hùng thứ 6, với lời căn dặn rằng: “Khi ta mất hãy chôn ta trên đỉnh núi Cả để ta có thể trông coi bờ cõi cho con cháu”. Mộ được xây dựng ở thế đầu đội sơn chân đạp thủy. Lăng Hùng vương tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu”: dựa vào sườn núi Hùng và trông ra ngã ba Bạch Hạc.
Trên mỗi mặt tường đều đắp mặt hổ phù, thành bậc đắp kỳ lân, cửa chính của lăng có hai câu đối chữ Nôm nói lên lòng thành kính tri ân của con cháu đối với tổ tiên: “Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà non nước vẫn quay về đất Tổ. – Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc giống nòi còn biết nhớ mồ ông”.
Đền Giếng
Đi xuống khoảng 600 bậc theo hướng Đông Nam là đền Giếng thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Câu chuyện tình giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử phản ánh khát vọng về tự do yêu đương, tự do hôn nhân. Còn Ngọc Hoa – Sơn Tinh phản ánh về công cuộc trị thủy cũng như để lại một phong tục văn hóa của người Việt: thách cưới.
Đền nằm dưới chân núi. Trên mái đắp tứ linh: long, lân, quy, phụng. Chính giữa tiền sảnh là 3 bức đại tự “Ẩm thủy tư nguyên” (Uống nước nhớ nguồn), “Nam quốc anh hoàng”, “Sơn thủy kim ngọc” (ý nói núi sông quý báu như vàng ngọc).
Bình minh trên đồi chè Long Cốc. Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm
Lê Hải, Phó chủ tịch Chi hội hướng dẫn viên Du lịch tỉnh Phú Thọ, cho biết tham quan đền thờ các vua Hùng chỉ mất nửa buổi. Do đó, du khách có thể kết hợp thăm các điểm đến trong thành phố như đàn Tịch điền (nơi vua Hùng dạy dân cấy lúa), đền Tiên (thờ vợ vua Kinh Dương Vương, mẹ đẻ Lạc Long Quân), lầu Kén rể nằm trên Cầu vàng ở công viên Văn Lang.
Nếu dự định đi hai ngày, hãy đến đồi chè Long Cốc, săn sương sớm và ngắm bình minh, khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Xuân Sơn, khu du lịch khoáng nóng Thanh Thủy…
Ăn uống
Lê Hải gợi ý du khách nên mua các món về làm quà và ăn thử như: quả cọ, thịt chua với giá từ 40.000 đồng, bánh sắn, gà nhiều cựa, xôi ngũ sắc.
Du khách nếu muốn tham quan hết khu di tích đền Hùng, thì nên ăn trưa tại các nhà hàng trong khuôn viên khu di tích. Nếu chỉ có ý định tham quan đền thờ các vua, nên ghé vào thành phố Việt Trì để có nhiều lựa chọn hơn.
Một số quán ăn trong thành phố được Hải gợi ý: Cá lăng Sông Đà, quán cá Hà Trì, gà cựa Xuân Thuyết hay nhà hàng Cội Nguồn để nếm thử món bánh sắn. Ngoài ra, du khách có thể ghé các quán khác như Phố Việt, Gia Hoàng, Sen Vàng. Giá mỗi bữa ăn trung bình khoảng 200.000 đồng một người.
Phương Anh
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Phú Thọ, Trung tâm xúc tiến du lịch Phú Thọ
nguồn: https://vnexpress.net/cam-nang-du-lich-den-hung-4595429.html