Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của tỉnh ở mức khoảng 145.000 con, đàn lợn xấp xỉ 750.000 con, đàn gia cầm khoảng 15,7 triệu con, trong đó có 13,8 triệu con gà. Do thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng xã hội hóa từ nhiều năm nay, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chủ động tiêm phòng các loại vắc xin nên trên địa bàn tỉnh không phát sinh các ổ dịch bệnh lớn, gây nguy hiểm cho tổng đàn.
Gia đình anh Đỗ Kim Ngọc ở xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy đầu tư nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 15.000 con gà thịt.
Năm 2023 và nửa đầu năm nay, ngành Chăn nuôi của tỉnh đạt nhiều kết quả: Tổng giá trị sản xuất trên 8 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 5,81%, chiếm tỷ trọng 57,71% trong cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp. Theo dự báo của ngành Chăn nuôi và Thú y, với tổng đàn như hiện nay, hoàn toàn có thể bảo đảm nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong tỉnh, đồng thời cung cấp cho các tỉnh, thành khác trong cả nước dịp cuối năm.
Bán được lứa lợn đúng thời điểm giá cao, sau khi vệ sinh chuồng trại, khử trùng khu vực chăn nuôi xong, gia đình ông Nguyễn Văn Soạn ở xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ chủ động tái đàn mới với khoảng 70 con lợn thịt, bảo đảm thời gian xuất chuồng vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Ông Soạn cho biết: “Để bảo đảm có đàn lợn khỏe mạnh, xuất bán vào dịp tháng Chạp, gia đình tôi đã lựa chọn con giống khỏe mạnh từ đàn nái của nhà, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch, bệnh. Đồng thời thường xuyên theo dõi thông tin về thị trường để điều chỉnh phương án chăn nuôi phù hợp. Theo dự báo của các chuyên gia chăn nuôi tại các tập đoàn chăn nuôi lớn, từ nay đến dịp Tết, giá lợn khả năng vẫn giữ ở mức 63.000 – 65.000 đồng/kg hơi. Như vậy, người chăn nuôi chúng tôi vẫn có lãi khoảng 25-30%, yên tâm đầu tư”.
Ông Nguyễn Quang Hải ở xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh cũng đang chuẩn bị vào đàn khoảng 10.000 con gà các loại, kịp cung cấp cho thị trường cuối năm. Ông Hải chia sẻ: “Dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng gia cầm, chủ yếu là gà rất cao, đặc biệt là gà nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, thả đồi. Vì vậy, gia đình tôi đã áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với phòng bệnh đầy đủ. Dự kiến năm nay, gia đình tôi có thể thu được trên 350 triệu đồng từ chăn nuôi gà thịt và trứng”.
Theo ông Nguyễn Tất Thành – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dù hiện nay giá thành động vật và sản phẩm chế biến từ động vật đang ở mức cao khiến người chăn nuôi có lãi, tuy nhiên không vì vậy mà người nuôi tăng mức tái đàn, vào đàn mà cần thận trọng, chăn nuôi theo quy hoạch của từng địa phương. Đồng thời hết sức chú ý đến việc phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm đang có diễn biến phức tạp như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm…
Trọng tâm trong thời gian tới của ngành Chăn nuôi là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân chuyển dần sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, hướng tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh… Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi tại địa phương, kịp thời phát hiện các ổ dịch để có phương án xử lý sớm, tránh lây lan rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Phan Cường
Nguồn: https://baophutho.vn/bao-dam-nguon-cung-thuc-pham-dip-cuoi-nam-217658.htm