Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai tại tỉnh đang mang lại kết quả tích cực. Tại huyện Yên Lập, đã có nhiều cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong vùng, trong đó phải kể đến gia đình người dân tộc Dao Triệu Thị Vân ở khu Dân Chủ, xã Thượng Long là một điển hình “đổi đời” nhờ cây quế.
Ngoài trồng quế, gia đình bà Triệu Thị Vân ở khu Dân Chủ, xã Thượng Long còn thu mua quế để xuất khẩu, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương.
Trò chuyện với bà Triệu Thị Vân, chúng tôi được biết, khoảng hơn 10 năm trở về trước, gia đình chỉ biết sống nhờ vào rừng, trông chờ vào cây lúa, cây ngô trồng trên đồi, nuôi vài con gà, lợn nên kinh tế của gia đình bà luôn khó khăn. Nhận thấy cây quế mang lại giá trị kinh tế cao, phần lá, cành dùng để sản xuất tinh dầu quế; phần vỏ được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, y dược, ẩm thực, hoặc sơ chế để xuất khẩu; gỗ quế được sử dụng trong xây dựng, đóng đồ dùng như bàn, ghế, giường, tủ, sản xuất đồ mỹ nghệ… bà Vân đã học cách trồng và đưa cây quế về trồng. Theo thời gian, từ một vài cây trồng thử nghiệm, đến nay gia đình bà Vân đã sở hữu hơn 12ha đồi phủ kín cây quế.
Ngoài ra, bà còn ươm bán cây quế giống. Theo bà Vân, một cây quế giống tốt là cây có đủ các yếu tố như chiều cao đạt từ 50cm trở lên, thân mập không cong, tán phải tản đều, lá xanh. Dù là vùng đồi dốc, nhưng thời tiết và thổ nhưỡng ở Yên Lập lại giúp cây quế phát triển rất tốt. Khi mới bắt tay vào ươm cây quế, gia đình bà cũng gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ mọc của hạt thấp, cây phát triển không đều… Tuy nhiên, sau vài lần ươm giống, cộng với học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, cuối cùng cũng thành công, ươm ra những cây giống chất lượng.
Tiếng lành đồn xa, cây quế giống trong vườn nhà bà được nhiều người ưa chuộng, có bao nhiêu cũng được người dân thu mua hết, mỗi năm vườn ươm của gia đình bà xuất bán ra thị trường từ 60-70 vạn cây quế đạt tiêu chuẩn. Ngoài trồng quế và ươm cây quế giống, bà Vân còn tập trung thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế như cành quế, vỏ quế, lá quế. Theo kinh nghiệm của bà Vân, quế trồng được 8-10 năm thì bắt đầu cho thu hoạch. Khi vào mùa thu hoạch, gia đình bà chủ yếu tập trung vào chế biến các sản phẩm từ cành, lá và vỏ quế. Từ việc trồng, ươm giống, chế biến các sản phẩm từ quế, mỗi năm gia đình bà thu về khoảng 700 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trồng quế ở xã Thượng Long không chỉ có gia đình bà Vân mà cũng có nhiều gia đình làm giàu từ cây quế. Các mô hình trồng quế đã góp phần vào phát triển kinh tế gia đình, đóng góp một phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ông Hoàng Kim Ngọc – Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết: “Xác định quế là cây trồng chủ lực, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực vận động các hộ dân trên địa bàn mở rộng diện tích. Hàng năm, UBND xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Cùng với đó, xã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua các sản phẩm từ quế tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân để bà con yên tâm sản xuất”.
Hoàng Hương
Nguồn: https://baophutho.vn/am-no-nho-que-222093.htm